Monday, September 14, 2009

Thở và Thiền

http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/thien-va-suc-khoe-nghi-tu-trai-tim/tho-va-thien/

Thursday, May 21, 2009

Kinh Pháp Bảo Đàn - Tâm ta vốn thanh tịnh

http://www.quangduc.com/kinhdien-2/328kinhphapbaodan.html

Bồ-đề bản vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm?)

......

Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ, đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy ca-sa che chung quanh không để người thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự tánh, liền thưa Tổ rằng:

Đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ Tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ Tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp!


.......................

Thứ sử thưa:

Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?” Tổ Đạt-ma bảo: “Thật không có công đức.” Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.

Tổ bảo:

Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải do tu phước mà được.

Tổ lại nói:

Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy Bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa niệm là đức; không lìa Tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công, Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi.

Thứ sử lại hỏi:

Đệ tử thường thấy Tăng tục niệm Phật A-di-đà, nguyện sanh Tây phương, thỉnh Hòa thượng nói, được sanh nơi cõi kia chăng? Nguyện vì phá cái nghi này.

Tổ bảo:

Sử quân khéo lắng nghe, Huệ Năng sẽ vì nói. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ nói Tây phương dẫn hóa, văn kinh rõ ràng cách đây không xa. Nếu luận về tướng mà nói, số dặm có mười muôn tám ngàn, tức là trong thân có mười ác và tám tà, liền là nói xa, nói xa là vì kẻ hạ căn, nói gần là vì những người thượng trí. Người có hai hạng nhưng pháp không có hai thứ, mê ngộ có khác, thấy có mau chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình, sở dĩ Phật nói: Tùy tâm tịnh liền được cõi Phật tịnh.

Sử quân, người phương Đông chỉ tâm mình tịnh liền không có tội, tuy người phương Tây tâm không tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh về phương Tây, còn người phương Tây tạo tội, niệm Phật cầu sanh cõi nào? Phàm ngu không rõ Tự tánh, không biết trong thân Tịnh độ, nguyện đông, nguyện tây, người ngộ ở chỗ nào cũng vậy, cho nên Phật nói: Tùy chỗ mình ở hằng được an lạc.

Sử quân, Tâm địa chỉ không có bất thiện thì Tây phương cách đây không xa. Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh khó đến. Nay khuyên Thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác tức là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay, liền thấy đức Phật A-di-đà.

Sử quân, chỉ hành mười điều thiện đâu cần lại nguyện vãng sanh, không đoạn tâm thập ác thì Phật nào đón tiếp. Nếu ngộ được đốn pháp vô sanh, thấy Tây phương chỉ trong khoảng sát-na. Còn chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh thì con đường xa làm sao đến được! Huệ Năng vì mọi người dời cõi Tây phương trong khoảng sát-na ở trước mắt khiến cho quí vị được thấy, quí vị có muốn thấy hay chăng?

Chúng đều đảnh lễ thưa rằng:

Nếu ở cõi này mà thấy được thì đâu cần phải nguyện vãng sanh, nguyện Hòa thượng từ bi liền hiện Tây phương khiến cho tất cả được thấy.

Tổ bảo:

Này Đại chúng! Người đời tự sắc thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa, ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm, tánh còn thì vua còn, tánh đi mất thì vua mất; tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật nhằm trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự tánh mê tức là chúng sanh, Tự tánh giác tức là Phật, từ bi tức là Quán Thế Âm, hỉ xả gọi là Đại Thế Chí, hay tịnh tức là đức Thích-ca, bình trực tức là Phật Di-đà. Nhân ngã ấy là Tu-di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỉ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.

Này Thiện tri thức, thường làm mười điều lành thì thiên đường liền đến, trừ nhân ngã thì núi Tu-di ngã, dẹp được tham dục thì biển nước độc khô, phiền não không thì sóng mòi mất, độc hại trừ thì rồng cá đều dứt. Ở trên Tâm địa mình là giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh hay phá sáu cõi trời dục, Tự tánh trong chiếu ba độc tức liền trừ địa ngục v.v... các tội một lúc đều tiêu diệt, trong ngoài sáng tột, chẳng khác với cõi Tây phương, không chịu tu như thế này làm sao đến được cõi kia?

Đại chúng nghe nói rồi đều rõ ràng thấy được Tự tánh, thảy đều lễ bái, đều tán thán: “Lành thay!” Thưa rằng: “Khắp nguyện pháp giới chúng sanh nghe một thời liền ngộ hiểu.”

Sunday, May 10, 2009

Lòng tri ân



Không biết mình đã đọc không biết bao nhiều lần, bao nhiêu cuốn sách khác nhau về cuộc đời của đức Phật, mà đến giờ mình vẫn không cảm thấy chán. Nó là một trong những cuốn sách làm cho mình có cảm xúc thật sự mạnh mẽ và ảnh hưởng đến mình nhiều nhất.

Có quá nhiều thứ để nói, quá nhiều thứ để học. Toàn bộ kinh điển phật giáo thật ra chỉ là ghi chép lại những điều Phật dạy trong suốt thời gian hoằng pháp. Và lòng từ bi vô hạn với tất cả các chúng sanh khiến cho người phải từ bỏ tất cả để tìm lời giải đáp luôn là một hình ảnh làm cho mình thật sự xúc động và cung kính.

Hôm nay mình xin mạn phép nói về một đề tài mà thời gian gần đây mình hay nghĩ đến, đó là Lòng Tri Ân.

Bài học đầu tiên sau khi ngài thành đạo, đức Phật dạy cho chúng ta là gì? Đó là lòng Tri Ân.

Sau khi thành đạo, tuần lễ đầu tiên: Đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây Bồ Đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) theo chiều xuôi như sau: "Khi có cái này (nguyên nhân), thì cái này (hậu quả) có. Với sự phát sanh của cái này (nhân), cái này (quả) phát sanh".

Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thanh đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây Bồ Đề trọn một tuần không nháy mắt.

Thầy Huyền Diệu, là người đã xây dựng chùa đầu tiên trên đất Phật, người viết cuốn sách Khi Hồng Hạc Bay Về, là chủ tịch của giáo hội phật giáo thế giới, và là người luôn phát biểu câu này "Cuộc đời thật có quá nhiều điều mầu nhiệm" (các bạn nên mua cuốn sách của thầy để biết sự mầu nhiệm thầy muốn nói đến là gì). Khi nghe thầy giảng ở chùa Hoằng Pháp, tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe thầy nói mật pháp thầy muốn chỉ cho mọi người rất đơn giản, đó là: lòng Tri Ân.



Ngẫm nghĩ lại thấy nó đúng quá. Cả cuộc đời của tôi chả làm được gì nên hồn cả, cũng chả tạo ra được cái gì gọi là mầu nhiệm như thầy, nhưng nếu không có lòng Tri Ân chắc tôi không được như ngày nay. Lòng biết ơn sâu sắc đến Ngoại (đặc biệt là Ngoại, người là nguyên nhân của mọi điều tốt đẹp trong tôi), cha mẹ sanh thành, và những người dạy dỗ tôi nên người đã làm cho tôi hướng thiện. Và đối với tôi, bao nhiêu đó cũng đủ gọi là mầu nhiệm lắm rồi.

Lòng tri ân xuất phát từ bên trong tâm hồn, nó không phải là một lời cám ơn sáo rỗng và chỉ đơn giản như vậy. Lúc Phật thuyết pháp, có một vị đệ tử (mình không nhớ tên) vì quá xúc động trước giáo lý tuyệt vời của ngài, đã đứng lên, nước mắt chảy dài, đi vòng quay đức Phật và cuối lạy thể hiện sự cung kính và tri ân vô bờ bến. Ngài Huyền Diệu đã từng phát nguyện sẽ trùng tu phật giáo ngay tại nơi mà nó sinh ra cũng xuất phát từ lòng tri ân ấy. Và ngài đã gặp biết bao mầu nhiệm, giúp ngài vượt qua khó khăn để hoàn thành tâm nguyện. Ngài cũng nói lòng biết ơn của ngài đối với người thầy đầu tiên đã giúp ngài có được như ngày hôm nay.

Còn tôi, người đầu tiên mà tôi tri ân đó là Ngoại. Đôi khi một lúc nào đó, vô tình nhìn vào bức tranh của Ngoại, hoặc có gì đó làm tôi nhớ đến người, thì tôi lại không cầm được nước mắt. Nước mắt nó cứ chảy ra mặc cho mặt của tôi lạnh tanh không chút cảm xúc. Hoặc ngay cả nằm mơ tôi cũng thấy mình khóc trong mơ ...

Tháng trước, đang đi ngoài đường suy nghĩ lan man bỗng nhiên có duyên gì đó làm cho tôi quán tưởng về tấm lòng từ bi của đức Phật, lúc người quyết định đi xuất gia. Nó thật ra là một sự dằn xé nội tâm sâu sắc giữa một bên là những người thân yêu của mình, một bên là nỗi khổ của tất cả các chúng sanh, trong đó có họ. Và tình thương yêu rộng lớn bao la của người làm cho tôi thật sự xúc động...

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mừng Lễ Phật Đản

Rằm tháng tư là một trong những rằm lớn của đạo Phật, một trong những nguyên nhân là trong tháng tư có ngày sinh của đức Phật Thích Ca (ngày 8 tháng tư âm lịch), gọi là ngày đức Phật đản sanh.



Theo Kinh A Hàm, khi đản sanh, Đức Phật đã nói một bài kệ bốn câu như sau:

Thiên thượng địa hạ
Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử


Trong bốn câu trên, hai câu đầu được nhiều người biết đến và cũng khó hiểu nhất, dịch như sau:
"Trên trời dưới đất, chỉ có cái TA là độc tôn duy nhất"

Ta ở đây là ngã, mà cái ngã đó là cái ngã nào, có phải là bản thân của ta. Nếu hiểu sai câu này, có thể nói Phật chấp vào thân và tự cao tự đại. Thật ra một trong những điều quan trọng trong giáo lý của đức Phật là vô ngã. Ngã đó là bản ngã hay vọng ngã, là cái mà phàm phu và ngoại đạo cho rằng nó là chúa tể của cái thân, là thường trụ và trường tồn, nên sinh ra mê chấp, yêu mến thân mình và những gì thuộc về mình. Đó là ngã chấp.

Theo Phật giáo thì không có gì trong thế gian là tuyệt đối, mọi sự vật (pháp) đều giới hạn, tương đối và phụ thuộc lẫn nhau. Đó là nguyên tắc của luật Duyên khởi hay Duyên sinh theo một công thức gồm có 4 dòng :

Cái này có thì cái kia có,
Cái này sanh thì cái kia sanh,
Cái này không có thì cái kia không có,
Cái này diệt thì cái kia diệt.

Vậy cái ngã mà Phật nói không phải là cái ngã này. Nó là ngã trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là đại ngã, chơn ngã, niết bàn, mà đức Phật coi như độc tôn, đặc biệt thoát ra ngoài sanh lão bệnh tử.

Chơn ngã còn gọi là chơn tâm và còn nhiều tên khác, tùy theo kinh : « … Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc thiện. Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp. Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến. Kinh tịnh danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo thân và hóa thân. Luận khởi tín gọi là Chơn Như, vì chẳng sanh chẳng diệt. Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, vì là bản thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất. Kinh Thắng Mang gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú va hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối

Niết bàn chính là từ bỏ ba độc tham, sân, si do ngã chấp gây nên. Vô ngã là niết bàn. Giờ phút nào cởi bỏ được ba độc, giờ phút đó là niết bàn. Cho nên chúng ta thấy niết bàn vừa là cái chung, vừa là cái riêng. Cái chung là ai cũng tu được vào được. Cái riêng là ai tu người ấy đắc. Đức Phật không bưng Niết bàn đến cho ta ngồi lên. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tu chứng Niết bàn mà thôi.
Chơn ngã có đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Tinh tấn tu hành sẽ được sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, chơn ngã hay Phật tánh hiển lộ, tức là thành Phật. Cho nên Đức Phật có giảng trong kinh Phạm Võng rằng : Các ngươi là Phật sẽ thành, còn ta là Phật đã thành.

Tuesday, April 21, 2009

Thiền

(theo bài viết Thiền Nguyên Thủy và Thiền Phát Triển, ở đây)

Hãy dẫn chứng các đoạn điển hình trong một số Kinh Nguyên Thủy:

"Các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhứt, định tỉnh. Như vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm. (Kinh Thân Hành Niệm, Trung Bộ III, trang 207)

Chúng ta thấy qua đoạn kinh trên, mục đích của Thiền là an trú, chuyên nhất, định tỉnh nội tâm và phương pháp là đoạn trừ các niệm và tư duy thuộc thế tục.

Khi trình bày bốn cấp thiền của sắc giới, Ðức Phật nói cụ thể hơn ở cấp Tứ Thiền của sắc giới, hành giả thành tựu được cái gọi là xả niệm thanh tịnh, tức là ở trong hành giả, chỉ còn lại một bầu nội tâm trong sáng vắng lặng (thanh tịnh) và bất động, nghĩa là xả bỏ mọi niệm khả dĩ làm cho nội tâm không được thanh tịnh, định tỉnh, chuyên nhứt.

Xả bỏ những niệm gì? Trước nhất ở cấp sơ thiền, xả bỏ mọi niệm bất thiện, mọi dục vọng, thèm muốn thế tục (ly dục, ly bất thiện pháp). Thứ hai, xả bỏ tầm và tứ, tức là mọi niệm hướng tới bất cứ một đối tượng nào. Tầm và Tứ chính là hoạt động bình thường của tâm thức chúng ta, hướng tới đối tượng là tầm, tập trung vào đối tượng ấy là tứ, rất có thể là thiện, khi chúng ta nghĩ điều hay, việc lành, nhưng nó làm tâm chúng ta động, cho nên hại cho định tâm. Muốn thành tựu định tâm, hưởng được tâm hỷ, lạc do định tâm, phải loại bỏ tầm và tứ. Ðó chính là câu thường gặp trong các kinh nguyên thủy: "Tỳ kheo ấy diệt sạch tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm.... " (Kinh Thân Hành Niệm đã dẫn, trang 212)

Do xả được tầm và tứ mà hành giả có được định tâm, và hưởng được niềm vui do định tâm, như trong kinh nói: "Chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh". Thế nhưng, sự định tâm vẫn chưa được hoàn hảo, cho nên hành giả tiếp tục xả luôn cả tâm trạng hỷ để chứng thiền thứ ba (Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là " Xả niệm lạc trú" chứng và trú thiền thứ ba - Kinh đã dẫn, trang 212).

Do xả hỷ mà hành giả đạt tới cảnh giới "Xả niệm lạc trú" thế nhưng hành giả nhận thấy, tuy bỏ hỷ, nhưng vẫn còn lạc, còn động tâm, tuy là một động tâm rất nhỏ nhiệm vi tế, cho nên, hành giả xả lạc, để chứng cấp thiền thứ tư "không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh".

Có thể nói, các Tổ về sau không nói gì hơn được về tiến trình biến chuyển nội tâm qua các cấp thiền của sắc giới. Như là đúc Phật đã trình bày trong các Kinh Nguyên thủy. Ở đây, chúng ta không cần nói tới các cấp thiền của Vô sắc giới, trong đó, hành giả phá bỏ mọi sắc tưởng, mọi đối ngại tưởng, chứng hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, không vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và diệt thọ tưởng định....

Sở dĩ, tôi dẫn chứng các cấp thiền của vô sắc là bởi vì trong bài Tọa Thiền Luận của Trần Thái Tông, có những câu như:

"Liễu sinh không lý, chứng thiên chân đạo nhi tu giả, thị tiểu giáo thiền. Ðạt nhân pháp không nhi tu giả, thị đại giáo thiền. Kim hậu học chi nhân tu dĩ đại giáo thiền vi chính. Thử tập tọa thiền tức niệm, vật sanh kiến giải nhi".

Ðại ý, vua Trần Thái Tông phân biệt thiền tiểu thừa là tu thiền mà còn chấp pháp là thực, tuy đã ngộ thân năm uẩn là không có thực. Còn tu thiền đại thừa là tu thiền mà không còn chấp các pháp là có thực, nghĩa là cả chánh y bào đều là không, thân năm uẩn là không, ngoại trần cũng là không... Thực ra, tư tưởng cơ bản của các kinh nguyên thủy là Vô Ngã, nhân cũng vô ngã mà cả y báo cũng là vô ngã, nghĩa là không thật có, không đáng chấp trước, chấp thủ.

Trong các Kinh Nguyên Thủy như các kinh Tiểu Khổ Uẩn, Ðại Kinh Khổ Uẩn, Ðức Phật khuyên các đệ tử nên xuất ly các dục, vì các dục là nguy hiểm. mặc dù có vị ngọt, là bởi vì đối tượng sắc thanh hương vị xúc pháp của các dục là vô thường, khổ, không, vô ngã... Ðó là tư tưởng căn bản của đạo đức Phật Giáo, là mục đích trước mắt gần gũi của sơ thiền sắc giới là ly dục, ly pháp bất thiện.

Cho nên, theo tôi suy nghĩ, nếu trong thời Phật Giáo bộ phái, có một bộ phái nào đó tách khỏi Thượng Tọa Bộ, chấp rằng các pháp là thật có, thì đó quyết không phải là giòng tư tưởng chính thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ðiều này thật rõ ràng, đối với những ai có đọc và nghiên cứu các kinh Nguyên Thủy. Tư tưởng cơ bản của Phật Giáo Nguyên Thủy là Vô Ngã, đối với chánh báo cũng như y báo, đối với các loài hữu tình cũng như thế giới vô cơ, tất cả đều là Vô thường, Khổ, Không, vì không có thực thể, do nhân duyên sanh.

Nói tóm lại, tư tưởng cơ bản của Phật Giáo, của thiền học từ khi đức Phật còn tại thế vẫn không có gì thay đổi, tức là Chân Lý tối hậu là siêu ngôn ngữ, siêu tư duy cho nên tự mỗi người phải thể hội qua nếp sống đạo đức và tu tập thiền định, đạt tới chỗ dứt bỏ mọi vọng niêm, xả ly mọi kiến giải, kiến thủ, trên thực tế chỉ là lý luận suông, (Trần Thái Tôn nói là chớ có kiến giải). Nhưng muốn vậy, phải trên cơ sở tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành (giữ giới), thì mới có thể làm cho nội tâm trở thành vắng lặng, sáng suốt được (Tự tịnh kỳ ý). Vắng lặng là định, cũng gọi là Chỉ (nghĩa là ngưng chỉ mọi niệm). Sáng suốt là Tuệ, cũng tức là Quán.

Friday, January 09, 2009

Wednesday, January 07, 2009

Tứ vô lượng tâm

Reference http://www.scribd.com/doc/8920486/T-Vo-Lng-Tam-Trn-inh-Hoanh?autodown=pdf

Con đường Bồ tát bắt đầu khi người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tâm này còn gọi là tâm bồ đề, và phát tâm bồ đề tức là phát nguyện tự giải thoát mình để giải thoát tất cả chúng sinh. Đó là tự độ và độ tha. Khi người thiện nam thiện nữ phát tâm bồ đề như vậy là đã trở thành Bồ tát, bắt đầu tập sự con đường Bồ tát. Tâm bồ đề đương nhiên là đặt trên lòng thương yêu chúng sinh vô bờ bến của Bồ tát. Lòng thương yêu vô lượng này còn gọi là tứ vô lượng tâm, bốn tâm vô lượng, vì nó có bốn phần, hay bốn tâm – từ, bi, hỉ, xả.

Bốn tâm vô lượng đã xuất hiện trong Phật Giáo Nguyên Thủy và còn có một tên nữa là bốn phạm trú. Gọi là vô lượng, vì các tâm này rộng vô biên, vô giới hạn, khởi từ trong tâm ta, hướng đến không phải chỉ là một vài người hay một số lớn người, mà là đến tất cả mọi loài, tất cả chúng sinh. Gọi là phạm trú, vì có thể xem đây là thái độ tốt nhất của ta đối với chúng sinh, với tâm của ta hoàn toàn tinh khiết như tâm của vua cao nhất của cõi trời, Phạm thiên. Như vậy là với bốn tâm vô lượng, ta “trú” ngang hàng với Phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng là các đề mục quán sát trong thiền định của Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong khi thiền, hành giả quán sát theo thứ tự: từ, bi, hỉ, xả. Từ là thiền đầu tiên, bi là thiền cấp hai, hỉ cấp ba, xả cấp tư. Theo cách thiền tập này, thì các mức thiền quán của từ, bi và hỉ còn lệ thuộc vào tình thương của ta đối với chúng sinh, tức là vẫn còn tâm phân biệt giữa ta và chúng sinh, và giữa chúng sinh này với chúng sinh khác. Đến mức thiền thứ tư, xả, thì mới thực sư chuyên tâm thực tập tâm vô phân biệt, tâm bình đẳng, không còn thấy có sự khác biệt giữa các chúng sinh, và không có khác biệt giữa ta và chúng sinh. Lúc này tâm mới thực sự thanh tịnh vì không còn phân biệt.

Như vậy, ngay từ trong Phật Giáo Nguyên Thủy, xả đã là tâm quan trọng nhất trong bốn tâm vô lượng. Và điều này rất phù hợp với bát nhã của Phật Giáo Đại Thừa. Trong Đại Thừa, bát nhã hay bát-nhã ba-la-mật-đa là trí tuệ tối thượng đưa đến giác ngộ hoàn toàn. Trong bát nhã, hoàn toàn không có một “chấp” nào. Bát nhã là xả bỏ mọi vướng mắc, mọi chấp trước, đến mức cùng tận. Trong bát nhã, hoàn toàn không có chấp vào sự khác biệt giữa cái này và cái kia, giữa ta và chúng sinh, hoặc giữa các chúng sinh với nhau. Ta là chúng sinh, chúng sinh là ta, và tất cả chúng sinh đều như nhau.

Bởi vì xả nắm vai trò cốt cán nhất trong tứ vô lượng tâm, ta sẽ khảo sát xả trước, sau đó ta sẽ tiếp tục với từ, bi và hỉ. Và bởi vì xả bỏ hoàn toàn mọi chấp trước chính là trí tuệ bát nhã mà chư Phật ba đời quá khứ hiện tại tương lai đều tựa vào để đạt thành chánh quả, chúng ta sẽ khảo sát bốn tâm vô lượng trong trí tuệ bát nhã, tức là ở một mức triệt để hơn là xả của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Xả

Xả là upekkha trong tiếng Pali, upeksha trong tiếng Sankrist. Theo luận sư Buddhaghosa, xả có nghĩa là tâm bình đẳng đối với mọi chúng sinh.

Ngày nay, khi nói đến xả, chúng ta thường nghĩ đến xả bỏ, buông xả, tha thứ. Đối với chính mình thì ta xả bỏ các thù hằn, ghen ghét, hờn giận trong lòng, xả bỏ ba nọc độc tham lam, sân hận, si mê. Đối với người khác thì ta xả bỏ mọi lỗi lầm, xấu xa, yếu kém mà họ có.

Tuy nhiên, bát nhã thì lại triệt để hơn rất nhiều. Bát nhã là vô chấp hoàn toàn, là không chấp vào bất kỳ điều gì, vật gì, ý gì, là xả hoàn toàn, xả triệt để. Trong Kinh Kim Cang, đức Phật nói, “Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát.”

Vậy nghĩa là gì? Con đường Bồ tát là con đường tự độ mình và đồng thời độ tất cả chúng sinh. “Tất cả chúng sinh” có nghĩa là tất cả chúng sinh, không phân biệt nam nữ, tốt xấu, thiện ác, già trẻ, giàu nghèo, giỏi dốt, ngay cả không phân biệt loài người và các sinh vật khác. Bồ tát không thấy có sự khác biệt giữa các chúng sinh. Hay nói đúng hơn, Bồ tát vẫn thấy có sự khác biệt giữa các chúng sinh khi nhìn bằng con mắt, nhưng không thấy sự khác biệt đó trong tâm mình. Nghĩa là vô chấp trong tâm.

Bồ tát cũng không thấy khác biệt giữa ta và chúng sinh. Ta là chúng sinh, chúng sinh là ta. Ta và chúng sinh là một. Bồ tát không chấp vào khác biệt giữa ta và chúng sinh. Bồ tát độ tất cả chúng sinh nhưng thật không có chúng sinh nào được độ, vì khi độ chúng sinh Bồ tát chỉ thấy như mình đang tự độ mình thôi.

Nhưng làm sao Bồ tát đạt được tâm vô chấp đó?

Bồ tát khởi đầu bằng cách xả bỏ cái tôi (xả bỏ “tướng ngã”). Bồ tát xem xét cái tôi của chính mình, và thấy rằng cái tôi thật là phù du hư ảo. Cái tôi chỉ là kết hợp tạm thời của năm uẩn--hình thể, cảm giác, ấn tượng, tạo ý, và suy tưởng. Một lúc nào đó cái tôi sẽ ngã xuống, rã ra và tan biết đi. Giữa vũ trụ mênh mông, cái thân năm uẩn chỉ là một điểm chớp nhỏ trên màn ảnh ra đa, môt chớp rồi biến mất. Cái thân năm uẩn này thực tế là Không; ngũ uẩn giai không, như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Đó là vô ngã —không có cái tôi vĩnh cửu. Vì thế Bồ tát không chấp nhận “ý tưởng là có cái tôi;” Bồ tát không chấp nhận “tướng ngã.”

Nói một cách nôm na là xem như cái tôi không có. Dĩ nhiên là khi cái tôi không có thì lấy ai để mà tham lam, sân hận, kiêu căng, ích kỷ, si mê, lo lắng, căng thẳng? Nếu cái tôi còn là còn ba độc tham sân si, là tâm còn ô nhiễm. Nếu cái tôi mất là hết tham sân si, tâm trở nên thanh tịnh. Cái tôi còn là tánh phàm phu trong ta hiện ra, cái tôi hết là Phật tánh trong ta hiện ra. Vì vậy, khi Quán-tự-tại bồ tát thấy rằng thân năm uẩn của ngài là Không, ngài liền vượt qua mọi khổ ách. Vậy thì, việc đầu tiên Bồ tát làm trên đường hành đạo là xả bỏ cái tôi của mình, hay nói theo ngôn ngữ của Kinh Kim Cang là xả bỏ “tướng ngã.”

Điều thứ nhì Bồ tát làm là xả bỏ “tướng người,” (hay là “tướng nhân.”)
“Nhân” không chỉ có nghĩa eo hẹp là “người khác,” (đối nghĩa với “ngã”) như nhiều người thường nghĩ. “Nhân” đây là pudgala trong tiếng Sankrist và human trong tiếng Anh, tức là “con người.” Dĩ nhiên “con người” thì bao gồm cả “ta” và “mọi người khác,” bao gồm cả “ta” và “người.”

Nếu cái thân ngũ uẩn của ta là Không, thì cái thân ngũ uẩn của tất cả mọi người khác cũng là Không. Thế thì việc gì ta phải chấp vào cái tôi của mọi người? Nếu ta không còn chấp vào cái tôi của mọi người thì lấy gì để mà khinh thường, trách móc, giận hờn, ghen ghét, chê bai người khác? Nếu ta và mọi người đều là Không, thì lấy gì để có phân biệt giữa ta và người? Người cũng như ta, ta là Không, người là Không, tất cả là Không.

Điều thứ ba Bồ tát làm là xả bỏ “tướng chúng sinh.”
“Chúng” là từ để chỉ số đông. “Sinh” là sự sống, trong tiếng Sankrist là sattva, tiếng Anh là sentient being, có nghĩa là sinh vật hữu tình, sinh vật có cảm giác. Nói chung, “chúng sinh” (hay “chúng sanh”) chỉ toàn thể mọi sinh vật.

Con người chúng ta, nếu chưa thành Phật, thì kiếp kiếp vẫn còn loanh quanh trong sáu nẻo luân hồi: trời, người, a-tu-la, súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ. Tất cả các loài trong sáu nẻo luân hồi này gọi chung là “chúng sinh.” Thế thì tất cả chúng sinh đều chỉ là một hình thái khác của con người trong những kiếp tái sinh khác nhau mà thôi. Và nếu con người không thật có “cái ngã” của mình, thì tất cả mọi chúng sinh cũng đều là “vô ngã” như thế. Con người, cũng như các chúng sinh, tất cả đều là Không.

Nếu ta và chúng sinh đều là Không, thì lấy gì để có phân biệt giữa ta và chúng sinh? Chúng sinh cũng như ta, ta là Không, chúng sinh là Không, tất cả là Không. Nếu ta không còn chấp vào cái ngã của chúng sinh thì lấy gì để mà khinh thường, trách móc, giận hờn, ghen ghét, chê bai?
Ta nên nhớ rằng, Bồ tát tức là Bodhisattva, bodhi là giác ngộ, sattva là chúng sinh hữu tình. Vậy có nghĩa là tất cả mọi chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, kể cả các loài súc sinh hay ngạ quỷ đều có được khả năng giác ngộ trở thành Bồ tát. Vậy thì làm sao có được khác biệt giữa ta và
chúng sinh?

Điều thứ tư Bồ tát làm là xả bỏ “tướng thọ giả.”
Thọ giả là jiva trong tiếng Sankrist, có nghĩa là một đời sống vĩnh cửu, một linh hồn vĩnh cửu, một đời sống kéo dài theo thời gian. Tướng thọ giả, hay đúng ra là tưởng thọ giả, là ý tưởng về một đời sống kéo dài vĩnh cửu.

Điều này thì rõ ràng là khác hẳn với bản chất vô thường vô ngã của mọi thứ. Chấp vào tướng thọ giả là chấp vào một cuộc đời vĩnh cửu có thật, trong khi nó chỉ là một kết hợp rất ảo, rất tạm thời.

Vì Bồ tát không chấp vào tướng thọ giả, Bồ tát không chấp vào ảo tưởng của cái tôi vĩnh cửu của mình, cũng như ảo tưởng về cái ngã vĩnh cửu của tất cả chúng sinh. Bồ tát thấy được tất cả là Không. Thế thì, làm sao mà có được phân biệt giữa ta và tất cả chúng sinh, giữa ta và tất cả mọi thứ trong vũ trụ? Lấy gì mà tranh chấp hơn thua thị phi? Khi buông xả hết các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bồ tát có tâm bình đẳng và thanh tịnh, sống với tất cả chúng sinh như sống với chính mình, và sống với chính mình như mình không hiện hữu, không tham sân si, không vướng mắc.

Nhưng Bồ tát còn đi xa hơn nữa, đến mức xả bỏ cả Phật pháp. Trong Kinh Kim Cang, sau khi nói “nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát,” đức Phật nói tiếp: “Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.”

Tại sao lại không? Có pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Phật pháp có pháp phát tâm bồ đề và có lục độ ba-la-mật để các Bồ tát thực hành, sao lại nói là không có pháp? Thật là có pháp, nhưng nếu Bồ tát chấp vào pháp đó để đắc đạo thì chắc là không thể đắc đạo được, vì trong lòng còn ham mê đắc đạo. Hơn nữa, nếu còn chấp vào pháp thì vẫn còn chấp, mà còn chấp thì không đắc đạo. Vì vậy, dù là có Phật pháp, pháp có thể hành nhưng không thể chấp, cho nên mới nói là không có pháp.

Nhưng làm thế nào hành mà không chấp? Bố thí là độ đầu tiên trong lục độ ba-la-mật. Bố thí chính là xả, là cho đi những gì mình có. Trong Kinh Kim Cang đức Phật nói: “Bồ tát không trụ tướng mà bố thí.” Không trụ tướng tức là không chấp vào bất kỳ tướng nào, bất kỳ tưởng nào, bất kỳ điều nào. Khi ta bố thí, ta không chấp vào ta là người bố thí, không chấp vào người được bố thí, không chấp vào vật bố thí, không chấp vào hành vi bố thí, không chấp vào bố thí như là con đường đắc đạo. Tóm lại, Bồ tát bố thí tự nhiên như hít như thở mà không phải vướng mắc vào bất kỳ ý tưởng nào, bất kỳ tướng nào, bất kỳ cố gắng nào.

Xả là không chấp, chứ không phải không làm. Làm mà không chấp. Và chính đức Phật nói: “Thế nên Như Lai nói tất cả các pháp đều là phật pháp.” Nghĩa là khi tâm ta không chấp “đây là Phật pháp, đó không phải là Phật pháp” và quán sát mọi sự với một tâm thanh tịnh không bị chấp trước làm mù mắt, thì bất kỳ điều gì trên đời cũng đều có thể giảng cho ta về Phật pháp. Nếu tâm ta không chấp, thì một cánh chim, một bông hoa, cũng có thể nói với ta lẽ vô thường và vô ngã, một con nai bị thương đi khập khiễng cũng nói được cho ta về cái khổ. Nếu tâm ta không chấp, thì bố thí sẽ mang đến vô lượng công đức. Nếu tâm ta không chấp vào bất kỳ điều gì, thì ta thấy được Như Lai. Nhưng nếu tâm ta chấp, thì ngay cả Bồ tát đạo cũng không mang lại giải thoát.

Vì vậy, vô chấp, xả bỏ tất cả mọi chấp, tức là con đường Bồ tát. Bồ tát không chấp ngã, nhưng cũng không chấp vô ngã; vì vậy Bồ tát vẫn ăn uống dưỡng thân và vẫn hành thiện. Bồ tát không chấp nhân, nhưng cũng không chấp phi nhân; vì vậy Bồ tát vẫn bố thí, vẫn độ chúng sinh. Bồ tát không chấp pháp, nhưng cũng không chấp phi pháp; vì vậy vẫn chuyên tâm thọ trì đạo pháp, vẫn bố thí, vẫn diệt độ.

Nói tóm lại, Bồ tát xả bỏ mọi chấp. Bồ tát không chấp có, nhưng cũng không chấp không. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Nói là pháp thì cũng đúng, nói là phi pháp thì cũng đúng. Nếu tâm ta không chấp thì đằng nào cũng đúng. Nếu tâm ta chấp thì đằng nào cũng sai. Vấn đề không lệ thuộc vào sự vật, nhưng vào cách nhìn của ta về sự vật—ta chấp hay ta xả bỏ chấp. Bồ tát sống ung dung, tự tại, tịnh tâm, vô chấp, hoàn toàn xả bỏ.

Saturday, January 03, 2009

Tâm Xả (Upekkha)

Upekkha (Xả) là đức tánh thứ tư trong Tứ Vô Lượng Tâm, khó thực hành nhất, mà cũng cần thiết nhất trong bốn phẩm hạnh cao thượng nầy.

Phạn ngữ "Upekkha" do hai căn "upa" và "ikkha" hợp thành. Upa là đúng đắn, chân chánh, vô tư. Ikkha là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Không tham cũng không sân.

Upekkha (Xả) không có nghĩa là lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, cũng không phải là cảm giác vô ký, không vui thích không phiền muộn.

Khinh rẽ, phỉ báng, nguyền rủa là thường tình. Hạng người trong sạch đạo đức thường bị chỉ trích và khiển trách. Giữa cơn giông tố của trường đời, người trau giồi tâm Xả cao thượng luôn luôn giữ tâm bình thản.

Được và thua, thành và bại, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ là những việc thường xảy ra trong đời, làm con người chao động. Được ca tụng thì vui thích,bị khiển trách thì buồn rầu. Đó là lẽ thường. Nhưng giữa cuộc thăng trầm của thế sự, Đức Phật dạy luôn luôn thản nhiên, hành tâm Xả vững chắc như tảng đá to sừng sững giữa trời.

Túc Sanh Truyện (Jataka) có lời khuyên:

"Trong hạnh phúc, trong đau khổ, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất.
"Cũng như trên đất ta có thể vất bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương."

Cho những ai còn luân chuyển trong Tam giới (Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới), đời sống của Đức Phật là một gương sáng về tâm Xả. Chưa từng có một vị giáo chủ hoặc một nhân vật nào bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đả kích, sỉ nhục, hoặc bị lăng mạ nhiều như Đức Phật. Tuy nhiên Đức Phật cũng được tán dương, tôn kính và sùng bái nhất.

Ngày kia, trong khi Đức Phật đi trì bình khất thực, có một đạo sĩ Bà La Môn ngạo mạn kêu Ngài là cùng đinh và đối xử hết sức vô lễ. Đức Phật thản nhiên chịu đựng và ôn hòa giải thích cho đạo sĩ thế nào là cùng đinh và vì sao chẳng nên khinh rẽ hạng người nầy [2]. Vị đạo sĩ lấy làm khâm phục.

Một lần khác có người thỉnh Đức Phật đến nhà trai tăng. Khi Đức Phật đến, chủ nhà lại dùng lời vô lễ, đối xử với Ngài một cách thậm tệ. Nhưng Đức Phật không tức giận, ôn hòa hỏi chủ nhà: - Nếu biết có khách đến nhà thì ông làm sao?

- Tôi sẽ chuẩn bị, dọn một bữa cơm để khoản đãi khách.

- Tốt lắm, Đức Phật nói, nhưng rồi nếu khách không đến thì sao?

-Thì tôi sẽ cùng vợ với con chia nhau bữa cơm.

- Tốt lắm, nầy ông, hôm nay ông mời Như Lai đến nhà để đãi ăn. Ông đã dọn lên cho Như Lai những lời thô lỗ cộc cằn. Như Lai không nhận. Vậy xin ông hãy giữ lấy.

Những lời nói nầy đã làm đổi hẳn thái độ của chủ nhà.

"Không nên trả thù. Khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết làm câm như cái mỏ bể. Được như vậy tức đã đứng trước ngưỡng cửa Niết Bàn, mặc dầu trong thực tế chưa đắc quả Niết Bàn."

Đó là những lời vàng ngọc mà Đức Phật khuyên nên ghi nhớ hằng ngày trong kiếp sống vô thường biến đổi nầy.

Trong xứ nọ, có lần có một mệnh phụ phu nhân xúi giục một người say rượu đến nhục mạ Đức Phật thậm tệ đến đổi Đại Đức Ananda không thể chịu được, kính bạch Đức Phật nên sang xứ khác. Nhưng Ngài không đi cũng không hề xúc động.

Một người đàn bà giả có mang để vu oan Đức Phật giữa công chúng. Một thiếu phụ khác nữa bị giết để vu cáo Đức Phật phạm tôi sát nhân. Một người bà con vừa là đệ tử của Đức Phật cũng manh tâm lăn đá từ trên đồi cao, quyết sát hại Ngài. Chí đến hàng đệ tử của Ngài cũng có người chỉ trích Ngài là thiên vị, bất công.

Đàng khác, bao nhiêu người đã tán dương công đức và ca tụng Đức Phật. Bao nhiêu vua chúa đã kính cẩn khấu đầu lễ bái dưới chân Ngài .

Như đất, Đức Phật nhận lãnh tất cả với tâm Xả hoàn toàn.

"Vững như voi, mạnh như hổ, ta không nên run sợ trước tiếng động. Miệng lằn lưỡi mối không làm cho ta xúc động. Như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vướng trong lưới, tuy sống giữa chợ người, ta không nên say mê luyến ái những lạc thú huyền ảo và vô thường của kiếp nhân sinh. Như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục, vượt lên bao nhiêu quyến rũ của thế gian, ta phải sống trong sạch, luôn luôn tinh khiết, an lạc và thanh bình."

Người thù trực tiếp của tâm Xả là luyến ái (raga) và kẻ thù gián tiếp của tâm Xả là sự lãnh đạm, thái độ lạnh lùng, xây lưng với thế sự.

Upekkha (tâm Xả) lánh xa tham ái và bất mãn. Thái độ vô tư, thản nhiên, an tỉnh là đặc tánh chánh yếu của tâm Xả. Người có tâm Xả không bị lạc thú trần gian quyến rũ, không thích thú say mê trong hạnh phúc, cũng không bị những gì nghịch ý làm bực tức buồn phiền, bất mãn trong khổ đau. Người có tâm Xả không thấy sự khác biệt giữa người tội lỗi và bậc thánh nhân, và đối xử đồng đều với tất cả.

Tâm Hỷ (Mudita)

Đức tánh cao thượng thứ ba trong Tứ Vô Lượng Tâm là Hỷ, vui (Mudita).

Mudita, Hỷ, không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào. Hỷ (Mudita) là tâm vui thích trước hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sanh. Ganh tỵ là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ. Hỷ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tỵ.

Ganh tỵ có sức phá hoại vô cùng nguy hiểm. Có nhiều người lấy làm khó chịu bực tức khi thấy hoặc nghe nói người khác thành tựu mỹ mãn một công trình. Thấy người thất bại thì vui mừng, mà không thể chịu đựng sự thành công của kẻ khác, và cố gắng phá hoại hoặc bóp méo sự thật để chê bai, thay vì vui lên để tán dương thắng lợi của người.

Đứng về một phương diện, chính người có tâm Hỷ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại, hơn là người khác, vì tâm Hỷ không chấp chứa lòng ganh tỵ. Về một phương diện khác, người có tâm Hỷ không bao giờ làm trở ngại tiến bộ và phá rối tình trạng an lạc của ai.

Cũng như tâm Từ, tâm Hỷ đối với thân bằng quyến thuộc phát hiện rất dễ dàng nhưng khó mà bộc lộ trước những người thù nghịch. Thật vậy, con người bình thường không bao giờ có thể biểu lộ sự hoan hỷ vui mừng trước cái vui của người thù nghịch. Lòng ganh tỵ lại còn thúc đẩy con người làm những điều vô cùng độc ác. Socrates, một nhà hiền triết Hy Lạp, bị bắt buộc phải quyên sinh bằng thuốc độc. Chúa Christ (Ki Tô) bị đóng đinh trên thánh giá. Thánh Gandhi(Cam Địa) bị ám sát. Đức Phật bị lăn đá gây thương tích.

Đó là bẩm tánh tội lỗi của thế gian, đang miệt mài say đắm trong ảo mộng.

Nếu so sánh với tâm Từ và tâm Bi, tâm Hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn phát triển tâm Hỷ phải có ý chí mạnh mẽ và phải tận lực cố gắng.

Đặc tánh của tâm Hỷ là hoan hỷ với người thành công, người lộc cao phúc hậu (anumodana). Vui cười không phải là đặc tánh của tâm Hỷ và ra vẻ hân hoan, giả làm ra tuồng thỏa thích, được coi là kẻ thù gián tiếp của tâm Hỷ.

Tâm Hỷ bao trùm những chúng sanh hữu phúc. Tâm Hỷ là phẩm hạnh thành thật chia vui, chung cùng hoan hỷ với lòng ngợi khen và loại trừ mọi hình thức bất mãn (arati), trước sự thành công của kẻ khác.

Thursday, January 01, 2009

Tâm Bi (Karunà)

Ðức tánh thứ nhì giúp con người trở nên cao thượng là tâm Bi (karunà). Bi được định nghĩa là động lực làm cho tâm người tốt rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, hay cái gì thoa dịu niềm khổ đau sầu não của người. Ðặc tánh của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ.

Lòng người có tâm Bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa. Ngày nào chưa cứu giúp được kẻ khác, tâm Bi không hề thỏa mãn. Lắm khi, để làm êm dịu nỗi khổ đau của kẻ khác, người có tâm Bi không ngần ngại hy sinh đến cả mạng sống mình. Sự tích Túc Sanh Truyện VyàghrÊ Jàtaka đã nói lên gương lành của một vị Bồ Tát tự hiến thân để cứu một con cọp mẹ và bầy con khỏi chết đói.

Chính do nhờ tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ. Người có tâm Bi không sống riêng cho mình, mà cũng sống cho kẻ khác và luôn luôn tìm cơ hội để giúp đời, nhưng không bao giờ cầu mong được đền ơn đáp nghĩa.

Ðức Phật đã nêu gương lành cao quý bằng cách tự tay chăm sóc người bệnh và khuyên dạy hàng đệ tử với những lời lẽ đáng ghi nhớ như sau:

"Người nào chăm sóc người bệnh là chăm sóc Như Lai."

Như Ðức Phật xưa kia, hết lòng thương hại và cứu độ Ambapàli, người phụ nữ lạc bước giang hồ và tận tâm tế độ Angulimàla, tên sát nhân tàn ác, toan ám hại Ngài. Về sau cả hai đều theo Ngài và hoàn toàn đổi tánh.

Ta phải hiểu biết rằng bên trong mỗi người, dầu là người xấu xa thế nào, đều có tiềm ẩn ngủ ngầm những đức tánh tốt đẹp. Ðôi khi chỉ một lời nói phải, đúng lúc, cũng có thể đổi hẳn con người từ dữ ra lành.

Cũng nên ghi nhận rằng tâm Bi của Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông gọi là thương xót, bởi vì kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là âu sầu, phiền muộn (domanassa).

Tâm Bi bao trùm những chúng sanh đau khổ trong khi tâm Từ bao gồm tất cả chúng sanh -- đau khổ và an vui.

Tâm Từ (Mettà)

Trong Tứ Vô Lượng Tâm, trạng thái cao thượng đầu tiên là tâm "Từ", tiếng Pàli là Mettà, Sanskrit là Maitri.

Nghĩa trắng của Mettà là cái gì làm cho lòng ta êm dịu hay tâm trạng của người bạn tốt. Mettà (tâm Từ) được định nghĩa là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. Mettà có khi cũng được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thật muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.

Ðức Phật khuyên dạy:

"Tâm Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, chăm nom bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng." -- Mettà Sutta

So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh Mettà Sutta (Từ Bi), Ðức Phật không nhấn mạnh đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Ngài chỉ nhắm vào sự mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền, muốn cho người con duy nhất của mình được sống an lành. Tâm Từ (Mettà) không phải sự yêu thương thiên về nhục dục, cũng không phải lòng trìu mến, luyến ái một người nào bởi vì cả hai, tình dục và luyến ái đều là nguyên nhân chắc chắn sẽ phát sanh phiền muộn.

Tâm Từ (Mettà) không phải chỉ là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sanh, không trừ bỏ sanh linh nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của ta, cũng không phải là tình huynh đệ giữa những người cùng một tôn giáo, hay cùng một quốc gia.

Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên các tình huynh đệ hẹp hòi ấy. Phạm vi của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sanh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.

Tựa hồ như ánh sáng mặt trời, bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

Người có tâm Từ vô lượng vô biên như thế ấy là Ðức Phật, Ngài đã tận tâm tạo an lành hạnh phúc cho tất cả những người thân yêu kỉnh mộ Ngài cũng như những người ganh tỵ, oán ghét, và những người âm mưu ám hại Ngài.

Tâm Từ của Ðức Phật đối với Ràhula (La Hầu La), con Ngài, không có chút gì khác hơn là đối với Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), người đã coi Ngài là thù nghịch và với Ðại Ðức nnanda (A Nan), vị thị giả thân tín rất kính mến Ngài.

Tâm Từ bao la rộng rãi, đồng đều, đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác ý với mình. Như chàng kia đi trong rừng với một người bạn, một người không quen biết, và một người thù, gặp một tướng cướp dữ tợn. Tên cướp quyết định phải giết một người. Nếu anh chàng chịu hy sinh mạng sống để cứu các bạn đồng hành thì ra anh thiếu tâm Từ đối với chính mình. Nếu anh tính rằng một trong ba người kia đáng chịu hy sinh thì anh lại không có tâm Từ đối với người ấy.

Ðặc điểm của tâm Từ thật sự là như vậy. Có lòng từ ái vô biên đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Hy sinh mạng sống mình vì một lợi ích nào là một đức độ cao thượng khác, và không chấp ngã lại là một loại tâm cao thượng khác nữa. Ðó là quan điểm tế nhị mà ta không nên lẫn lộn. Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là 'Ta' lần lần mở rộng, lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

Thật ra không có danh từ Anh ngữ nào tương đương để diễn tả đúng nghĩa chữ "Mettà" nhẹ nhàng êm dịu trong tiếng Pàli. Thiện ý, từ ái, hảo tâm, bác ái, là những danh từ được xem là gần đồng nghĩa nhất với Mettà.

Nghịch nghĩa với Mettà là sân hận, ác ý, thù oán, ghen ghét. Tâm Từ và sân hận không thể phát sanh cùng một lúc. Thù oán cũng không thể chứa đựng Metttà.

Ðức Phật dạy:

"Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ mới dập tắt lòng sân."

Không những dập tắt được lòng sân, tâm Từ, Mettà còn diệt trừ các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm Từ (Mettà) không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không bao giờ sợ ai, cũng không bao giờ làm ai sợ.

Kẻ thù gián tiếp thường mang lốt bạn của tâm Từ một cách sâu ẩn bất ngờ là lòng trìu mến vị kỷ. Nếu quan niệm không đúng, tâm Từ có thể dễ dàng trở thành luyến ái. Kẻ thù gián tiếp nầy thật là tế nhị mà cũng thật hiểm độc. Nó hành động như người ẩn núp trong rừng sâu hay ở sau một sườn núi để chờ cơ hội ám hại một người khác. Trìu mến đem lại đau khổ. Tâm Từ chỉ tạo an lành hạnh phúc.

Ðây là điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu trìu mến con, con trìu mến thương yêu cha mẹ; vợ mến chồng, chồng mến vợ.

Tình thương và tâm luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luyến ái luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ.

Cố ý mong muốn làm cho kẻ khác được yên vui là đặc điểm quan trọng của tâm Từ. Người có tâm Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sanh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không bao giờ nhìn phần xấu xa hư hỏng của một ai.

Tâm Từ đem lại nhiều quả phúc:

1) Người có tâm Từ luôn luôn ngủ được an vui. Ngủ với tâm trạng thơ thới, không giận hờn, không lo âu sợ sệt, tự nhiên giấc ngủ sẽ đến dễ dàng. Mỗi người đều có thể kinh nghiệm. Người có tâm Từ nhắm mắt là ngủ, và ngủ ngon lành.

2) Khi đi ngủ với tâm từ ái an lành, tự nhiên lúc tỉnh giấc, thức dậy cũng với tâm an lành. Người từ ái bi mẫn thường ngủ dậy với gương mặt vui vẻ.

3) Người có tâm Từ không bị những điềm chiêm bao mộng mị khuấy rầy tâm trí, không thấy những điều xấu xa, ghê tợn. Trong khi thức, lòng đầy tâm Từ thì trong lúc ngủ cũng thanh bình an lạc. Dầu có nằm mộng cũng thấy điều vui vẻ an lành.

4) Người có tâm Từ đối với kẻ khác, tất nhiên sẽ gặt hái những cảm tình ưu ái của mọi người.

Khi nhìn vào gương, nếu mặt ta vui vẻ hiền lành, phản ảnh của nó sẽ hiền lành vui vẻ. Trái lại nếu mặt ta cau có quạu quọ, phản ảnh của nó ắt cũng cau có quạu quọ. Cùng một thế ấy, thế gian bên ngoài là phản ảnh của những hành vi, tư tưởng, thiện hay ác của con người. Người hèn hạ xấu xa chỉ biết nhìn vào tội lỗi của kẻ khác, những gì tốt đẹp thì không màng biết đến.

Một thi hào người Anh đã viết ra những dòng thơ rất đẹp đẽ và thâm thúy, có nhiều ý nghĩa:

"Tôi nhìn anh tôi qua Kính Hiển Vi của sự Chỉ Trích
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật thô lỗ!"
Nhìn anh tôi qua Kính Viễn Vọng của sự Khinh Bỉ
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật bé nhỏ thấp hèn!"
Rồi tôi nhìn vào 'Tấm Gương Chân Lý'
Và tôi nói, "Anh tôi thật giống hệt như tôi!"

Trong con người tốt nhất cũng có những điểm khiếm khuyết, mà trong con người xấu nhất cũng có những điểm tốt. Tại sao ta chỉ tìm phần xấu xa tội lỗi mà không để ý đến phần tốt của người? Nếu mỗi người đều nhìn vào phần tốt đẹp của nhau, nhân loại đã tìm được nguồn hạnh phúc dồi dào vậy.

5) Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của nhân loại mà cũng là bạn thân của tất cả chúng sanh. Loài cầm thú cũng lấy làm vui thích được sống gần những bậc hiền nhân đạo đức. Các vị tu sĩ sống đơn độc một mình ở chốn rừng sâu, giữa đám sài lang hổ báo, chỉ nhờ có tâm Từ để tự bảo vệ.

6) Do năng lực của tâm Từ (mettà) thuốc độc không hại được hành giả, ngoại trừ trường hợp người ấy phải trả một nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ.

Vì tâm Từ (mettà) là một năng lực dũng mãnh, khi được thực hành đúng mức có khả năng đổi dữ ra lành. Cũng như tư tưởng oán ghét thù hận có thể tạo nên những chất độc ảnh hưởng đến cơ thể con người, cùng thế ấy tâm Từ có thể tạo ảnh hưởng an lành giúp hành giả thêm sức khoẻ. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp cơ thể con người trở nên lành mạnh.

Kinh sách có chép lại chuyện bà Suppiyà, một tín nữ giàu lòng bi mẫn và có tâm đạo nhiệt thành. Bà Suppiyà mang một vết thương nặng trên vế. Hôm nọ, Ðức Phật đi bát đến trước nhà, được chồng bà cho biết rằng bà đang lâm bệnh không thể ra đảnh lễ Ngài. Ðức Phật bảo cứ đưa bà ra. Bà cố gắng đi lần ra cửa. Vừa thấy mặt Ðức Phật, vết thương của bà bỗng dưng lành lại, bà trở nên mạnh khỏe như thường.

Chính lòng thành kính trong sạch của bà khi được diện kiến Ðức Phật, hợp với năng lực của tâm Từ mà Ðức Phật rải đến, đã cứu bà khỏi bệnh.

Một đoạn kinh khác thuật rằng khi Ðức Phật trở về quê nhà lần đầu tiên, con Ngài là Ràhula (La Hầu La), lúc ấy vừa lên bảy, đến gần Ngài và bạch:

"Bạch Ðức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm cho lòng con mát mẻ lạ thường."

Tâm Từ của Ðức Phật bao trùm lấy cậu bé Ràhula và có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ làm cho cậu vô cùng cảm kích.

7) Người có tâm Từ luôn luôn được chư Thiên hộ trì.

8) Tâm Từ được an trụ dễ dàng vì không bị những tư tưởng trái ngược khuấy động.

Với tâm thanh bình an lạc, người có tâm Từ sẽ sống ở cõi trời, và cõi trời ấy chính ta tạo ra. Chí đến những ai lân cận tiếp xúc với người có tâm Từ cũng chứng nghiệm được phước lành ấy.

9) Người có tâm Từ gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ảnh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể chạy mau gấp đôi ba lần lúc bình thường, trở nên nóng, dồn lên làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác thoải mái an lành, máu được thanh lọc trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến.

Kinh sách chép rằng sau khi Ðức Phật thành tựu Ðạo Quả Phật, trong lúc ngồi tham thiền, suy niệm về pháp Nhân Quả Tương Quan (Patthanà), tâm hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể tuyệt đối thanh tịnh, lúc ấy từ bên trong pháp thân Ngài phát tủa ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, và màu cam, bao phủ châu thân Ngài.

10) Người thấm nhuần tâm Từ đến lúc lìa đời cũng được an vui, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ảnh của sự ra đi thanh bình an lạc.

11) Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.

Nếu đã đắc Thiền (Jhàna), người ấy sẽ tái sanh vào cảnh giới của chư Phạm Thiên.

Năng Lực Của Tâm Từ (Mettà)

Ngoài những lợi ích có tánh cách vật chất, tâm Từ còn có năng lực hấp dẫn mạnh mẽ phi thường. Tâm Từ có thể gieo những ảnh hưởng tốt đẹp từ xa đến một người khác. Mọi người đều cảm thấy yên vui khi ở gần người lành.

Một hôm, Ðức Phật đến chỗ nọ. Trong hàng các thân hào đến đảnh lễ Ngài, có một trưởng giả tên Roja, trước kia là bạn thân của Ðức nnanda. Thấy Roja, Ðại Ðức nnanda nói: "Sư lấy làm vui mà thấy Roja hôm nay đến đây đảnh lễ ra mắt chào mừng Ðức Phật." Roja liền trả lời: "Thật ra không phải tôi đến đây để tỏ lòng thành kính Ðức Phật. Sở dĩ tôi đến đây hôm nay là vì chúng tôi đánh cuộc với nhau rằng người nào không đến đảnh lễ Ðức Phật sẽ bị phạt năm trăm đồng vàng. Chính vì sợ mất tiền mà tôi đến."

Ðức nnanda lấy làm thất vọng, đến bạch tự sự cho Ðức Phật rõ và xin Ngài tế độ người bạn thân của mình. Ðức Phật liền rải tâm Từ đến Roja, rồi trở về tịnh thất.

Lúc ấy Roja thấy khắp châu thân mình đượm nhuần một luồng cảm xúc mát mẻ lạ thường dường như từ Ðức Phật đưa đến. Bị cảm kích quá mạnh, chàng không thể cưỡng kháng lại ý muốn gặp ngay Ðức Phật. Không khác nào bò con chạy theo mẹ, Roja chạy vào chùa, từ tịnh thất nầy đến tịnh thất kia, để tìm Ðức Phật. Ðược chỉ dẫn đến nơi, Roja gỏ cửa. Cửa vừa mở, ông lật đật đảnh lễ Ðức Phật, rồi nghe Ðức Phật giảng Pháp và xin quy y.

Ðó là một trường hợp cho thấy rằng tâm Từ có sức hấp dẫn thật mạnh mà mỗi người đều có thể tu tập, tùy theo khả năng của mình, vì cũng như các đức tánh khác trong Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong mọi người.

Trong một tích chuyện khác, có người muốn hại Ðức Phật, cho voi uống rượu đến say rồi lùa chạy ngay lại phía Ngài. Con voi hung tợn cắm đầu chạy đến Ðức Phật, định làm dữ. Thản nhiên, Ðức Phật rải tâm Từ đến voi và chế ngự trong khoảnh khắc.

Mẫu chuyện hứng thú sau đây có thể được tường thuật nhằm cho thấy đến mức độ nào một vị Bồ Tát có thể rải tâm Từ vô lượng đến người cha đã hạ lệnh giết Ngài. Mặc dầu trẻ tuổi Bồ Tát nghĩ như thế nầy:

"Ðây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm Từ. Ðứng trước đây là cha ta. Mẹ ta đang khóc than thê thảm. Kìa là đao phủ sẵn sàng hành quyết ta, và ta đây là nạn nhân đang đứng ở giữa. Ta phải rải tình thương đồng đều đến tất cả bốn người. Ngưỡng nguyện cha ta khỏi phải chịu quả xấu do hành động hung ác nầy gây ra. Mong cầu cha ta, mẹ ta, tên đao phủ, và ta, được hạnh phúc an vui, không đau khổ, không tật bệnh, không gây oan trái. Nhờ năng lực tâm Từ nầy, ngưỡng nguyện rằng ngày kia ta sẽ thành Phật."

Trong vô lượng tiền kiếp, một ngày kia, khi Ðức Phật còn là Bồ Tát, đang hành Nhẫn Nhục Ba La Mật trong ngự uyển. Hôm ấy nhà vua say rượu. Muốn thử xem hạnh nhẫn nhục của Ngài đến đâu, vua truyền lệnh cắt tay và chân Ngài. Ngài vẫn điềm nhiên, lặng lẽ hành pháp nhẫn. Vua lấy làm tức giận, dùng gót chân đá vào ngực Ngài. Ngài ngã gục trên vũng máu, hoi hóp thở những hơi thở cuối cùng, nhưng lòng vẫn bảo lòng:

"Người như ta không bao giờ sân hận, oán thù."

Một vị tỳ khưu xứng đáng phải có tâm Từ rộng rãi bao la. Không đào đất, cũng không bảo người đào, vì sợ rủi ro làm chết côn trùng. Vị tỳ khưu chân chánh cũng không uống nước chưa lọc. Lời dạy sau đây của Ðức Phật cho ta một ý niệm thế nào là tâm Từ mà một vị tỳ khưu nên có:

"Nếu có bọn cướp hung tợn dùng cưa cưa con ra từng mảnh và nếu con sanh tâm tức giận hoặc căm thù kẻ cướp, chính lúc ấy con đã không thực hành lời dạy của Như Lai."

Quả thật rất khó mà chịu đựng và nhẫn nại đến mức ấy. Nhưng đó là mức sống lý tưởng mà Ðức Phật trông đợi hàng đệ tử Ngài cố gắng thành đạt. Chính Ðức Phật đã nêu gương lành cao thượng. Ngài dạy :

"Như đàn voi lâm trận không kể lằn tên mũi đạn, ta phải can đảm chịu đựng những điều bất hạnh của đời. Phần lớn nhân loại sống ngoài khuôn khổ giới luật. Ta phải có thái độ của đàn voi lâm trận: mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác, bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của đời, và thản nhiên vững bước trên đường phạm hạnh."

Chúng ta đang sống trong một thế gian hỗn loạn, giữa những tình thế căng thẳng và luôn luôn lo sợ hiểm họa chiến tranh. Các quốc gia ngày nay ráo riết võ trang chống đối lẫn nhau và nhân loại không ngớt phập phồng chờ đợi một loại võ khí nguyên tử thình lình từ không trung rơi xuống.

Trong giờ phút nầy, thế gian ắt đang trông đợi một tâm đại từ đại bi cứu khổ để mỗi người được sống an lành trong cảnh thái bình, thuận hòa trong tình huynh đệ.

Ta lại tự hỏi : "Trước sự hăm dọa của bom đạn, trên thực tế có thế nào ta bình thản thực hành tâm Từ được không?" Một người thường có thể làm gì để chống lại đám mưa bom? Trong tay không có một món vũ khí, người dân thường có thể làm gì để chặn đứng lằn tên mũi đạn?

Trước cái chết sắp đến, tâm Từ của Phật Giáo là một khí giới ôn hòa và hữu hiệu để ngăn ngừa bom đạn.

Nếu các quốc gia hiếu chiến khứng chịu đem tâm Từ thay thế vũ khí để cai trị thế gian bằng công lý và tình thương, thay vì bạo lực cường quyền, thì nhân loại ắt được an cư lạc nghiệp và hạnh phúc lâu dài.

Gác qua một bên những vấn đề quan trọng mà chính ta không thể giải quyết, ta nên quan tâm đến riêng phần ta và phần còn lại của nhân loại bằng cách tận lực chuyên cần trau giồi và phát triển phẩm hạnh từ ái (mettà) dịu hiền.

Thực Hành Tâm Từ (Mettà) Như Thế Nào?

Sau đây là một vài chỉ dẫn thực tế để thực hành tâm Từ.

Trước tiên hành giả phải gieo trồng tâm Từ cho chính mình. Muốn vậy, phải rải khắp châu thân và tâm những tư tưởng an vui hạnh phúc.

Hành giả tưởng niệm:

"Tâm tôi rất yên tĩnh, thân tôi rất an vui. Tôi không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. Tôi thể hiện tâm Từ. Hào quang từ ái bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi tư tưởng ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch. Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác. Tôi lấy tốt đáp xấu, lấy tâm Từ trả lại lòng sân hận."

Hằng ngày rèn luyện tinh thần như thế, dần dần hành giả trở nên vô cùng quảng đại, quên tất cả những điều xấu xa của kẻ khác và giữ tâm hoàn toàn trong sạch, không còn bợn nhơ sân hận, oán thù.

ánh sáng hạnh phúc tủa ra khắp châu thân, hành giả ban rải hạnh phúc ấy đến người khác bằng những tư tưởng an lành và bằng những hành động vị tha, thể hiện tâm Từ trong cuộc sống hằng ngày.

Khi tâm được an vui và không bị những tư tưởng sân hận làm chao động, hành giả sẽ dễ dàng rải tâm Từ đến cho kẻ khác. Ta không thể cho ai một vật mà chính ta không có. Trước khi muốn làm cho người khác được an vui, chính hành giả phải được an vui, phải biết làm thế nào cho mình được an vui.Hành giả rải tâm Từ đến thân bằng quyến thuộc, riêng từng người, rồi đến toàn thể, và ước mong mọi người đều lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, sân hận.

Hành giả cũng rải tâm Từ đến bạn bè và những người không quen biết và thành thật ước mong cho những người nầy, như trước kia đã ước mong cho mình và thân bằng quyến thuộc mình được an vui, hạnh phúc và lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, và sân hận.

Sau cùng, mặc dầu là khó, hành giả rải tâm Từ đến cho những người có ác ý với mình, nếu có. Rải tâm Từ đến những người coi mình là thù nghịch, lấy thái độ ôn hòa đối lại những cử chỉ bất hòa là hành động của bậc anh hùng quân tử, đáng được làm gương cho đời. Ðức Phật dạy: "Hãy giữ tâm luôn luôn trong sạch giữa đám người đầy thù hận."

Hành giả rải tâm Từ đến tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ, không trừ bỏ một loài cầm thú nhỏ nhen câm điếc nào. Hành giả tự đồng hóa với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Tâm không còn một điểm vị kỷ, hành giả đã vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ riêng tư. Không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, hành giả có thể nhìn toàn thể thế gian là nơi chôn nhau cắt rún và tất cả mọi người là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

Tham khảo Tứ Vô Lương Tâm ở đây:

  • http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-ngan/4tam-vn.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/ducphatvaphatphap-42.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/phathocphothong-04-09.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/lienhoa302-15.htm