Sunday, May 10, 2009

Mừng Lễ Phật Đản

Rằm tháng tư là một trong những rằm lớn của đạo Phật, một trong những nguyên nhân là trong tháng tư có ngày sinh của đức Phật Thích Ca (ngày 8 tháng tư âm lịch), gọi là ngày đức Phật đản sanh.



Theo Kinh A Hàm, khi đản sanh, Đức Phật đã nói một bài kệ bốn câu như sau:

Thiên thượng địa hạ
Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử


Trong bốn câu trên, hai câu đầu được nhiều người biết đến và cũng khó hiểu nhất, dịch như sau:
"Trên trời dưới đất, chỉ có cái TA là độc tôn duy nhất"

Ta ở đây là ngã, mà cái ngã đó là cái ngã nào, có phải là bản thân của ta. Nếu hiểu sai câu này, có thể nói Phật chấp vào thân và tự cao tự đại. Thật ra một trong những điều quan trọng trong giáo lý của đức Phật là vô ngã. Ngã đó là bản ngã hay vọng ngã, là cái mà phàm phu và ngoại đạo cho rằng nó là chúa tể của cái thân, là thường trụ và trường tồn, nên sinh ra mê chấp, yêu mến thân mình và những gì thuộc về mình. Đó là ngã chấp.

Theo Phật giáo thì không có gì trong thế gian là tuyệt đối, mọi sự vật (pháp) đều giới hạn, tương đối và phụ thuộc lẫn nhau. Đó là nguyên tắc của luật Duyên khởi hay Duyên sinh theo một công thức gồm có 4 dòng :

Cái này có thì cái kia có,
Cái này sanh thì cái kia sanh,
Cái này không có thì cái kia không có,
Cái này diệt thì cái kia diệt.

Vậy cái ngã mà Phật nói không phải là cái ngã này. Nó là ngã trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là đại ngã, chơn ngã, niết bàn, mà đức Phật coi như độc tôn, đặc biệt thoát ra ngoài sanh lão bệnh tử.

Chơn ngã còn gọi là chơn tâm và còn nhiều tên khác, tùy theo kinh : « … Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc thiện. Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp. Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến. Kinh tịnh danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo thân và hóa thân. Luận khởi tín gọi là Chơn Như, vì chẳng sanh chẳng diệt. Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, vì là bản thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất. Kinh Thắng Mang gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú va hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối

Niết bàn chính là từ bỏ ba độc tham, sân, si do ngã chấp gây nên. Vô ngã là niết bàn. Giờ phút nào cởi bỏ được ba độc, giờ phút đó là niết bàn. Cho nên chúng ta thấy niết bàn vừa là cái chung, vừa là cái riêng. Cái chung là ai cũng tu được vào được. Cái riêng là ai tu người ấy đắc. Đức Phật không bưng Niết bàn đến cho ta ngồi lên. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tu chứng Niết bàn mà thôi.
Chơn ngã có đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Tinh tấn tu hành sẽ được sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, chơn ngã hay Phật tánh hiển lộ, tức là thành Phật. Cho nên Đức Phật có giảng trong kinh Phạm Võng rằng : Các ngươi là Phật sẽ thành, còn ta là Phật đã thành.

No comments: