Thursday, May 21, 2009

Kinh Pháp Bảo Đàn - Tâm ta vốn thanh tịnh

http://www.quangduc.com/kinhdien-2/328kinhphapbaodan.html

Bồ-đề bản vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm?)

......

Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ, đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy ca-sa che chung quanh không để người thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự tánh, liền thưa Tổ rằng:

Đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ Tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ Tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp!


.......................

Thứ sử thưa:

Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?” Tổ Đạt-ma bảo: “Thật không có công đức.” Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.

Tổ bảo:

Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải do tu phước mà được.

Tổ lại nói:

Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy Bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa niệm là đức; không lìa Tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công, Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi.

Thứ sử lại hỏi:

Đệ tử thường thấy Tăng tục niệm Phật A-di-đà, nguyện sanh Tây phương, thỉnh Hòa thượng nói, được sanh nơi cõi kia chăng? Nguyện vì phá cái nghi này.

Tổ bảo:

Sử quân khéo lắng nghe, Huệ Năng sẽ vì nói. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ nói Tây phương dẫn hóa, văn kinh rõ ràng cách đây không xa. Nếu luận về tướng mà nói, số dặm có mười muôn tám ngàn, tức là trong thân có mười ác và tám tà, liền là nói xa, nói xa là vì kẻ hạ căn, nói gần là vì những người thượng trí. Người có hai hạng nhưng pháp không có hai thứ, mê ngộ có khác, thấy có mau chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình, sở dĩ Phật nói: Tùy tâm tịnh liền được cõi Phật tịnh.

Sử quân, người phương Đông chỉ tâm mình tịnh liền không có tội, tuy người phương Tây tâm không tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh về phương Tây, còn người phương Tây tạo tội, niệm Phật cầu sanh cõi nào? Phàm ngu không rõ Tự tánh, không biết trong thân Tịnh độ, nguyện đông, nguyện tây, người ngộ ở chỗ nào cũng vậy, cho nên Phật nói: Tùy chỗ mình ở hằng được an lạc.

Sử quân, Tâm địa chỉ không có bất thiện thì Tây phương cách đây không xa. Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh khó đến. Nay khuyên Thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác tức là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay, liền thấy đức Phật A-di-đà.

Sử quân, chỉ hành mười điều thiện đâu cần lại nguyện vãng sanh, không đoạn tâm thập ác thì Phật nào đón tiếp. Nếu ngộ được đốn pháp vô sanh, thấy Tây phương chỉ trong khoảng sát-na. Còn chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh thì con đường xa làm sao đến được! Huệ Năng vì mọi người dời cõi Tây phương trong khoảng sát-na ở trước mắt khiến cho quí vị được thấy, quí vị có muốn thấy hay chăng?

Chúng đều đảnh lễ thưa rằng:

Nếu ở cõi này mà thấy được thì đâu cần phải nguyện vãng sanh, nguyện Hòa thượng từ bi liền hiện Tây phương khiến cho tất cả được thấy.

Tổ bảo:

Này Đại chúng! Người đời tự sắc thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa, ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm, tánh còn thì vua còn, tánh đi mất thì vua mất; tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật nhằm trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự tánh mê tức là chúng sanh, Tự tánh giác tức là Phật, từ bi tức là Quán Thế Âm, hỉ xả gọi là Đại Thế Chí, hay tịnh tức là đức Thích-ca, bình trực tức là Phật Di-đà. Nhân ngã ấy là Tu-di, tà tâm là biển độc, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỉ thần, trần lao là rùa trạnh, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.

Này Thiện tri thức, thường làm mười điều lành thì thiên đường liền đến, trừ nhân ngã thì núi Tu-di ngã, dẹp được tham dục thì biển nước độc khô, phiền não không thì sóng mòi mất, độc hại trừ thì rồng cá đều dứt. Ở trên Tâm địa mình là giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh hay phá sáu cõi trời dục, Tự tánh trong chiếu ba độc tức liền trừ địa ngục v.v... các tội một lúc đều tiêu diệt, trong ngoài sáng tột, chẳng khác với cõi Tây phương, không chịu tu như thế này làm sao đến được cõi kia?

Đại chúng nghe nói rồi đều rõ ràng thấy được Tự tánh, thảy đều lễ bái, đều tán thán: “Lành thay!” Thưa rằng: “Khắp nguyện pháp giới chúng sanh nghe một thời liền ngộ hiểu.”

Sunday, May 10, 2009

Lòng tri ân



Không biết mình đã đọc không biết bao nhiều lần, bao nhiêu cuốn sách khác nhau về cuộc đời của đức Phật, mà đến giờ mình vẫn không cảm thấy chán. Nó là một trong những cuốn sách làm cho mình có cảm xúc thật sự mạnh mẽ và ảnh hưởng đến mình nhiều nhất.

Có quá nhiều thứ để nói, quá nhiều thứ để học. Toàn bộ kinh điển phật giáo thật ra chỉ là ghi chép lại những điều Phật dạy trong suốt thời gian hoằng pháp. Và lòng từ bi vô hạn với tất cả các chúng sanh khiến cho người phải từ bỏ tất cả để tìm lời giải đáp luôn là một hình ảnh làm cho mình thật sự xúc động và cung kính.

Hôm nay mình xin mạn phép nói về một đề tài mà thời gian gần đây mình hay nghĩ đến, đó là Lòng Tri Ân.

Bài học đầu tiên sau khi ngài thành đạo, đức Phật dạy cho chúng ta là gì? Đó là lòng Tri Ân.

Sau khi thành đạo, tuần lễ đầu tiên: Đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây Bồ Đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) theo chiều xuôi như sau: "Khi có cái này (nguyên nhân), thì cái này (hậu quả) có. Với sự phát sanh của cái này (nhân), cái này (quả) phát sanh".

Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thanh đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây Bồ Đề trọn một tuần không nháy mắt.

Thầy Huyền Diệu, là người đã xây dựng chùa đầu tiên trên đất Phật, người viết cuốn sách Khi Hồng Hạc Bay Về, là chủ tịch của giáo hội phật giáo thế giới, và là người luôn phát biểu câu này "Cuộc đời thật có quá nhiều điều mầu nhiệm" (các bạn nên mua cuốn sách của thầy để biết sự mầu nhiệm thầy muốn nói đến là gì). Khi nghe thầy giảng ở chùa Hoằng Pháp, tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe thầy nói mật pháp thầy muốn chỉ cho mọi người rất đơn giản, đó là: lòng Tri Ân.



Ngẫm nghĩ lại thấy nó đúng quá. Cả cuộc đời của tôi chả làm được gì nên hồn cả, cũng chả tạo ra được cái gì gọi là mầu nhiệm như thầy, nhưng nếu không có lòng Tri Ân chắc tôi không được như ngày nay. Lòng biết ơn sâu sắc đến Ngoại (đặc biệt là Ngoại, người là nguyên nhân của mọi điều tốt đẹp trong tôi), cha mẹ sanh thành, và những người dạy dỗ tôi nên người đã làm cho tôi hướng thiện. Và đối với tôi, bao nhiêu đó cũng đủ gọi là mầu nhiệm lắm rồi.

Lòng tri ân xuất phát từ bên trong tâm hồn, nó không phải là một lời cám ơn sáo rỗng và chỉ đơn giản như vậy. Lúc Phật thuyết pháp, có một vị đệ tử (mình không nhớ tên) vì quá xúc động trước giáo lý tuyệt vời của ngài, đã đứng lên, nước mắt chảy dài, đi vòng quay đức Phật và cuối lạy thể hiện sự cung kính và tri ân vô bờ bến. Ngài Huyền Diệu đã từng phát nguyện sẽ trùng tu phật giáo ngay tại nơi mà nó sinh ra cũng xuất phát từ lòng tri ân ấy. Và ngài đã gặp biết bao mầu nhiệm, giúp ngài vượt qua khó khăn để hoàn thành tâm nguyện. Ngài cũng nói lòng biết ơn của ngài đối với người thầy đầu tiên đã giúp ngài có được như ngày hôm nay.

Còn tôi, người đầu tiên mà tôi tri ân đó là Ngoại. Đôi khi một lúc nào đó, vô tình nhìn vào bức tranh của Ngoại, hoặc có gì đó làm tôi nhớ đến người, thì tôi lại không cầm được nước mắt. Nước mắt nó cứ chảy ra mặc cho mặt của tôi lạnh tanh không chút cảm xúc. Hoặc ngay cả nằm mơ tôi cũng thấy mình khóc trong mơ ...

Tháng trước, đang đi ngoài đường suy nghĩ lan man bỗng nhiên có duyên gì đó làm cho tôi quán tưởng về tấm lòng từ bi của đức Phật, lúc người quyết định đi xuất gia. Nó thật ra là một sự dằn xé nội tâm sâu sắc giữa một bên là những người thân yêu của mình, một bên là nỗi khổ của tất cả các chúng sanh, trong đó có họ. Và tình thương yêu rộng lớn bao la của người làm cho tôi thật sự xúc động...

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mừng Lễ Phật Đản

Rằm tháng tư là một trong những rằm lớn của đạo Phật, một trong những nguyên nhân là trong tháng tư có ngày sinh của đức Phật Thích Ca (ngày 8 tháng tư âm lịch), gọi là ngày đức Phật đản sanh.



Theo Kinh A Hàm, khi đản sanh, Đức Phật đã nói một bài kệ bốn câu như sau:

Thiên thượng địa hạ
Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sinh lão bệnh tử


Trong bốn câu trên, hai câu đầu được nhiều người biết đến và cũng khó hiểu nhất, dịch như sau:
"Trên trời dưới đất, chỉ có cái TA là độc tôn duy nhất"

Ta ở đây là ngã, mà cái ngã đó là cái ngã nào, có phải là bản thân của ta. Nếu hiểu sai câu này, có thể nói Phật chấp vào thân và tự cao tự đại. Thật ra một trong những điều quan trọng trong giáo lý của đức Phật là vô ngã. Ngã đó là bản ngã hay vọng ngã, là cái mà phàm phu và ngoại đạo cho rằng nó là chúa tể của cái thân, là thường trụ và trường tồn, nên sinh ra mê chấp, yêu mến thân mình và những gì thuộc về mình. Đó là ngã chấp.

Theo Phật giáo thì không có gì trong thế gian là tuyệt đối, mọi sự vật (pháp) đều giới hạn, tương đối và phụ thuộc lẫn nhau. Đó là nguyên tắc của luật Duyên khởi hay Duyên sinh theo một công thức gồm có 4 dòng :

Cái này có thì cái kia có,
Cái này sanh thì cái kia sanh,
Cái này không có thì cái kia không có,
Cái này diệt thì cái kia diệt.

Vậy cái ngã mà Phật nói không phải là cái ngã này. Nó là ngã trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là đại ngã, chơn ngã, niết bàn, mà đức Phật coi như độc tôn, đặc biệt thoát ra ngoài sanh lão bệnh tử.

Chơn ngã còn gọi là chơn tâm và còn nhiều tên khác, tùy theo kinh : « … Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc thiện. Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp. Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến. Kinh tịnh danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo thân và hóa thân. Luận khởi tín gọi là Chơn Như, vì chẳng sanh chẳng diệt. Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, vì là bản thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất. Kinh Thắng Mang gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú va hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối

Niết bàn chính là từ bỏ ba độc tham, sân, si do ngã chấp gây nên. Vô ngã là niết bàn. Giờ phút nào cởi bỏ được ba độc, giờ phút đó là niết bàn. Cho nên chúng ta thấy niết bàn vừa là cái chung, vừa là cái riêng. Cái chung là ai cũng tu được vào được. Cái riêng là ai tu người ấy đắc. Đức Phật không bưng Niết bàn đến cho ta ngồi lên. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tu chứng Niết bàn mà thôi.
Chơn ngã có đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Tinh tấn tu hành sẽ được sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, chơn ngã hay Phật tánh hiển lộ, tức là thành Phật. Cho nên Đức Phật có giảng trong kinh Phạm Võng rằng : Các ngươi là Phật sẽ thành, còn ta là Phật đã thành.