Friday, February 22, 2008

Tánh Không (2)

(tiếp theo bài trước)

Vô Thường


Vô thường thường được hiểu như sau: thể hiện một sự thay đổi, một sự chuyển tiếp từ sanh đến diệt và ngược lại.

Tuy nhiên, trong kinh Duy Ca Mật có đoạn viết rằng:
....Ngài Ca Diên Chiên bạch Phật hỏi rằng: "... Khi con giảng lại yếu chỉ các pháp cho Tỳ Kheo nghe, là Vô Thường, Khổ, Không, Vô ngã và Tịch Diệt thì ngài Duy Ca Mật đến với con và nói rằng - Thưa ngài Ca Diên Chiên, ngài chớ đem tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng! Các pháp rốt ráo không sanh không diệt nghĩa là Vô Thường..."

Như vậy ý của câu trên nói rằng Vô Thường vốn không sanh không diệt. Nghe có vẽ mâu thuẩn với cách hiểu ở trên. Cơ sở của lời tuyên bố này có thể trình bày trong các bước sau:

  1. Vô thường có nghĩa là thay đổi, có nghĩa là không tồn tại, hay dừng trụ trong phút chốc
  2. Ta không có lý do để xem một giây phút nào đó là tồn tại, hay dừng trụ vì nếu như vậy thì các giây phút khác cũng phải xem là như vậy --> không có sự thay đổi nào cả
  3. Khái niệm về hiện hữu vốn không tách rời khỏi khái niệm tồn tại. Không tồn tại nghĩa là không hiện hữu. Do đó nói các pháp là nhất thời tức là nói các pháp là không vậy.
  4. Phút chốc của sự tồn tại cũng đồng nghĩa với phút chốc của sự không tồn tại. Chính vì vậy mà sự "diệt tận" mới có thể khả hữu được (tồn tại), và chỉ với sự diệt tận thì sự sinh khởi theo sau mới làm cho khả hữu được.
  5. Cái "tồn-tại-của-không-tồn-tại" là thực tại của Vô thường.
--> Ý nghĩa của Vô Thường không phải là sanh (hay diệt tận), cũng không phải là diệt (hay xuất hiện). Điều này có nghĩa là sự đồng thời không sanh cũng không diệt là ý nghĩa thật sự của Vô Thường.

Vô Thường là một viên đá để bước đến Tánh Không. Giáo lý của cả hai vốn thật sự như nhau, chỉ khác nhau về chiều sâu và sự thâm túy. Bây giờ những sự hiện hữu tồn tại được hiểu là cái vốn dừng trụ, nếu không có sự dừng trụ thì tự nhiện sẽ không có sự hiện hữu tồn tại. Không có sự hiện hữu tồn tại thì đồng nghĩa với Tất Cánh Không, vốn là một giáo lý tinh tế và kỳ diệu về Vô Thường.

(có một "chủ thuyết vĩnh cữu" hay "chủ thuyết duy thực" - triết học Parmenides hoàn toàn đối lập với giáo lý Phật giáo về Vô Thường)

Vô Ngã

Ngã thông thường được hiểu là: cái vốn vĩnh hằng, bất biến, nhất thể và tự tại (tự do ý chí) gọi là ngã.

Các triết gia bên ngoài và bên trong Phật giáo thường tranh cãi khá nhiều về tính vô ngã, vì chủ yếu họ xem nó như là một khái niệm hay một triết học. Thật ra Vô Ngã chỉ là một công cụ tham thiền, một chỉ dẫn thực tiễn được áp dụng trong sự quán tưởng nhằm mục đích giải thoát (như đã được trình bày rõ ràng trong phương pháp Tứ Niệm Xứ). Đức Phật chưa bao giờ là một triết gia cả. Mối quan tâm chính của ngài là vạch ra con đường đưa đến giải thoát - giải thoát khỏi sự chấp thủ thâm căn vào một ảo ngã vốn là nguồn gốc của mọi tham ái và khổ đau phiền muộn. Các suy luận triết học luôn bị Đức Phật bác bỏ vì nó vô dụng và không bổ ích cho việc tu tập.

Tuy nhiên, ở cấp độ thông thường, Đức Phật không bao giờ phản đối ý tưởng về ngã, bởi vì chính ngài đã luôn dùng đại từ ngôi thứ nhất "Tôi", ngài cũng không phủ nhận sự tương tục của một chuồi bản ngã luôn thay đổi kéo dài từ những kiếp sống từ vô thủy cho đến những kiếp tái sanh ở tương lai. Nếu điều này là đúng như vậy thì cái gì là cái "ngã" mà Đức Phật đã cố gắng loại trừ và đánh đổ?

Đối với những Phật tử thành tín thì đây không phải là một vấn đề quan trọng, vì họ sẽ biết chính xác Vô Ngã có nghĩa là gì một khi họ đạt đến Giác Ngộ. Tuy nhiên đối với những Phật tử có khuynh hướng triết học, họ phải giải quyết xem cái nào là ngã mà giáo lý Vô Ngã đã đánh đổ, cái "ngã" nào là cần được duy trì cho mục đích nào đó.

(còn tiếp)

Tuesday, February 19, 2008

Tánh Không

Đã lâu rồi không viết blog này. Đơn giản vì đạo Phật không phải là một triết thuyết nào đó, nó không phải là cái để ta phân tích, suy luận mà đơn giản nó là kết quả thực chứng của một sự tu tập. Chỉ sợ viết càng nhiều thì càng xa rời đạo Phật và sự giác ngộ.

Đầu năm có duyên đọc cuốn Triết Học Phật Giáo Hoa Nghiêm Tông của tác giả GARMA C.C.CHANG, trong đó có một phần viết về tánh Không khá hay nên tôi xin mạn phép trích dẫn.

Nếu có một công án nào đó cho tôi tu tập, tôi sẽ chọn Tánh Không. Tôi đã suy nghĩ và quán tưởng không biết bao nhiêu lần về nó nhưng cảm thấy vẫn còn quá xa để có thể đạt được sự thấu hiểu thật sự. Nhắc đến Tánh Không ta liên tưởng đến:

  • Bát Nhã Tâm Kinh
  • Vô Thường
  • Vô Ngã
  • ...
Tánh Không trong tiếng Phạn là SÙNYATÀ. Trong tiếng Phạn nó cũng có nghĩa là zero, hay không. Zero không chứa đựng, bao hàm một cái gì cả nhưng thật ra có sự khác biệt giữa tập rỗng và tánh Không.

Trong toán học tập hợp rỗng cũng là một tập hợp còn trong định nghĩa của tánh Không tuyệt đối (Tất Cánh Không) là một sự phủ định tuyệt đối của tất cả các pháp kể cả chính nó (trong 20 tánh Không có một tánh Không gọi là Không Không - Tánh Không của Tánh Không).

Cái khó khăn của việc tìm hiểu tánh Không nằm ở chỗ chúng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều bị bao bọc trong một thế giới của tự ngã. Chúng ta suy nghĩ, hành động, sống và mơ mộng thể theo tự ngã. Ngay cả suy nghĩ về Tánh Không cũng phải dựa theo tự ngã. Ví dụ có một từ đồng nghĩa với Tánh Không là hư vô - nothingness. Phần chính của từ là "thing" nên chính vì nhờ qua thing (sự vật) ta mới hiểu được "no-thing" (không có sự vật - không có gì cả, hư vô).

Chính bởi vì nhờ lối đi của "tự ngã" mà "vô ngã" mới có thể tiếp cận được nên ta không có cách nào hiểu được tánh Không một cách trực tiếp, huống hồ hiện chứng hay chứng ngộ được nó.

Trước khi nói Tánh Không là gì, ta nói đến nó không phải là gì. Có 2 ý lớn:
  • Tánh Không không phải là sự không có
  • Tánh Không không phải là sự đoạn diệt
Ví dụ thông thường ta chỉ cái nhà và nói: "Căn nhà đó trống không", có nghĩa là căn nhà đó không có ai trong đó (hoặc kệ sách trống không). Trong trường hợp ta không nói rằng căn nhà đó không tồn tại hay hiện hữu. Loại trong không này là loại trống không của sự vắng mặt hay không có.

Sự hiểu lầm về đoạn diệt vd như ta nói "Lô đất đó trống không", có nghĩa là hồi trước vốn có rất nhiều nhà, bây giờ không có căn nhà nào nữa, ngụ ý một cái gì đó hiện hữu trong khoảng một thời gian rồi không tồn tại nữa. Vd về sự chết là một sự trống không không đoạn diệt: cuốc sống tồn tại trong một khoảng thời gian, sau đó nó bị mất đi bởi những nguyên nhân bên ngoài, hay tự nhiên và bị biến thành hư vô.

Bây giờ ta sẽ cố gắng nói Tánh Không là gì. Có 3 cách để miêu tả một sự vật:
  1. Dùng từ ngữ giải thích: vd USA là hiệp chủng quốc hoa kỳ
  2. Mô tả bằng cách liên kết các khái niệm khác nhau: vd con người là một sinh vật có lý trí vốn thể cười và khóc,.. Hoặc cái bàn là một tấm ván phẳng được gắn các chân..
  3. Biểu thị trực tiếp: chỉ thẳng vào cái bàn và nói đây là cái bàn
Thật ra cách tốt nhất để miêu tả tánh Không là cách thứ ba. Chính cách này thường được áp dụng trong phật giáo Thiền tông. Ví dụ có một hòa thượng đến viếng Mã Tổ, hỏi Tánh Không là gì. Mã Tổ đáp: "Váy lạy đi". Khi hòa thượng đang lạy, Mã Tổ đạp cho một đạp. Hòa thượng đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn rằng: "Lạ thật! Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ trên đầu một sợi lông mà hiểu rõ các căn gốc"

(còn tiếp)