Tuesday, February 19, 2008

Tánh Không

Đã lâu rồi không viết blog này. Đơn giản vì đạo Phật không phải là một triết thuyết nào đó, nó không phải là cái để ta phân tích, suy luận mà đơn giản nó là kết quả thực chứng của một sự tu tập. Chỉ sợ viết càng nhiều thì càng xa rời đạo Phật và sự giác ngộ.

Đầu năm có duyên đọc cuốn Triết Học Phật Giáo Hoa Nghiêm Tông của tác giả GARMA C.C.CHANG, trong đó có một phần viết về tánh Không khá hay nên tôi xin mạn phép trích dẫn.

Nếu có một công án nào đó cho tôi tu tập, tôi sẽ chọn Tánh Không. Tôi đã suy nghĩ và quán tưởng không biết bao nhiêu lần về nó nhưng cảm thấy vẫn còn quá xa để có thể đạt được sự thấu hiểu thật sự. Nhắc đến Tánh Không ta liên tưởng đến:

  • Bát Nhã Tâm Kinh
  • Vô Thường
  • Vô Ngã
  • ...
Tánh Không trong tiếng Phạn là SÙNYATÀ. Trong tiếng Phạn nó cũng có nghĩa là zero, hay không. Zero không chứa đựng, bao hàm một cái gì cả nhưng thật ra có sự khác biệt giữa tập rỗng và tánh Không.

Trong toán học tập hợp rỗng cũng là một tập hợp còn trong định nghĩa của tánh Không tuyệt đối (Tất Cánh Không) là một sự phủ định tuyệt đối của tất cả các pháp kể cả chính nó (trong 20 tánh Không có một tánh Không gọi là Không Không - Tánh Không của Tánh Không).

Cái khó khăn của việc tìm hiểu tánh Không nằm ở chỗ chúng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều bị bao bọc trong một thế giới của tự ngã. Chúng ta suy nghĩ, hành động, sống và mơ mộng thể theo tự ngã. Ngay cả suy nghĩ về Tánh Không cũng phải dựa theo tự ngã. Ví dụ có một từ đồng nghĩa với Tánh Không là hư vô - nothingness. Phần chính của từ là "thing" nên chính vì nhờ qua thing (sự vật) ta mới hiểu được "no-thing" (không có sự vật - không có gì cả, hư vô).

Chính bởi vì nhờ lối đi của "tự ngã" mà "vô ngã" mới có thể tiếp cận được nên ta không có cách nào hiểu được tánh Không một cách trực tiếp, huống hồ hiện chứng hay chứng ngộ được nó.

Trước khi nói Tánh Không là gì, ta nói đến nó không phải là gì. Có 2 ý lớn:
  • Tánh Không không phải là sự không có
  • Tánh Không không phải là sự đoạn diệt
Ví dụ thông thường ta chỉ cái nhà và nói: "Căn nhà đó trống không", có nghĩa là căn nhà đó không có ai trong đó (hoặc kệ sách trống không). Trong trường hợp ta không nói rằng căn nhà đó không tồn tại hay hiện hữu. Loại trong không này là loại trống không của sự vắng mặt hay không có.

Sự hiểu lầm về đoạn diệt vd như ta nói "Lô đất đó trống không", có nghĩa là hồi trước vốn có rất nhiều nhà, bây giờ không có căn nhà nào nữa, ngụ ý một cái gì đó hiện hữu trong khoảng một thời gian rồi không tồn tại nữa. Vd về sự chết là một sự trống không không đoạn diệt: cuốc sống tồn tại trong một khoảng thời gian, sau đó nó bị mất đi bởi những nguyên nhân bên ngoài, hay tự nhiên và bị biến thành hư vô.

Bây giờ ta sẽ cố gắng nói Tánh Không là gì. Có 3 cách để miêu tả một sự vật:
  1. Dùng từ ngữ giải thích: vd USA là hiệp chủng quốc hoa kỳ
  2. Mô tả bằng cách liên kết các khái niệm khác nhau: vd con người là một sinh vật có lý trí vốn thể cười và khóc,.. Hoặc cái bàn là một tấm ván phẳng được gắn các chân..
  3. Biểu thị trực tiếp: chỉ thẳng vào cái bàn và nói đây là cái bàn
Thật ra cách tốt nhất để miêu tả tánh Không là cách thứ ba. Chính cách này thường được áp dụng trong phật giáo Thiền tông. Ví dụ có một hòa thượng đến viếng Mã Tổ, hỏi Tánh Không là gì. Mã Tổ đáp: "Váy lạy đi". Khi hòa thượng đang lạy, Mã Tổ đạp cho một đạp. Hòa thượng đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn rằng: "Lạ thật! Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ trên đầu một sợi lông mà hiểu rõ các căn gốc"

(còn tiếp)

No comments: