Sunday, February 11, 2007

Ngón tay chỉ mặt trăng

Một lần yết kiến Phật, Diganakha có hỏi:
- Sa môn Gotama, ngài dạy giáo pháp gì? Chủ thuyết của ngài là chủ thuyết nào? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay một lý thuyết nào hết. Tôi không tin vào một chủ trương hay một lý thuyết nào hết.
Bụt mỉm cười hỏi:
- Vậy ngài có thích cái chủ trương “không thích” của ngài không? Ngài có tin cái chủ trương “không tin” của ngài không?
Vị du sĩ ngỡ ngàng. Ông ta nói liều:
- Sa môn Gotama, tôi thích hay không thích, tôi tin hay không tin, thì cũng như vậy thôi, điều đó không quan hệ gì mấy.
Bụt từ tốn:
- Một khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do, người ta trở nên độc đoán, cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà đạo. Những tranh chấp và cãi cọ được phát sinh từ thái độ cố chấp này. Những tranh chấp và cãi cọ ấy có thể kéo dài bất tuyệt, làm mất rất nhiều thì giờ quý báu và có thể tạo ra xung đột và chiến tranh. Vì vậy cho nên kiến thủ là trở ngại lớn lao nhất trên con đường tu học.
- Kiến thủ là gì?
- Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là sự cố chấp. Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm. Cố chấp như vậy là bị kẹt, vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa.
Diganakha hỏi:
- Vậy giáo pháp của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa không? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không?
- Giáo pháp của tôi chỉ dạy không phải là một chủ nghĩa hay một lý thuyết. Nó không hình thành do công phu suy tư và ức đạt của trí năng, như những chủ thuyết chủ trương về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, nước, là đất, là gió hay là thần linh hoặc cho rằng vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô cùng v.v...
Trí năng ức đạt và suy tư về sự thật cũng như con kiến bò quanh miệng bình bát không đưa ta đi đến đâu cả. Không, giáo pháp của tôi dạy không phải là một chủ thuyết xây dựng trên trí năng. Đó là kinh nghiệm thực chứng, những gì tôi nói ra tôi đều đã thực chứng, và ông bạn cũng có thể kiểm điểm lại bằng kinh nghiệm thực chứng của ông bạn. Tôi nói vạn vật là vô thường và không có tư ngã. Điều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại, và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói quán chiếu về vô thường, vô ngã và duyên sinh thì có thể đạt tới giải thoát và an lạc. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập và chứng nghiệm thực tại. Lời nói không diễn tã được thực tại, chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới làm cho ta tiếp xúc được với thực tại.
Diganakha thốt lên:
- Hay quá, hay quá, sa môn Gotama! Nhưng trong trường hợp mà có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết thì sao?
Bụt im lặng gật đầu:
- Du sĩ Diganakha, câu hỏi của ông bạn hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng, nhưng sau này và ngay cả bây giờ nữa, đã có thể có những người nhận giáo pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. Này các bạn, giáo pháp tôi dạy cũng như một chiếc bè. Phải sử dụng nó để đi sang bên bờ bên kia, bờ giải thoát.

(trích chương 30, cuốn Đường Xưa Mây Trắng của hòa thượng Thích Nhất Hạnh)

Thursday, February 01, 2007

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Thủ Lăng Nghiêm là cái định rốt ráo bền chắc có sẵn của tâm tính.

Tâm tính bản lai thanh tịnh, không có tán loạn, không có lay động, không có dời đổi, không do công phu mà có; đó là định Thủ Lăng Nghiêm. Chúng sinh mê lầm không nhận được chân tính, chấp có tâm ta riêng biệt, chấp có sự vật riêng biệt, theo thân theo cảnh mà sinh ra phiền não, tạo ra nhân duyên luân hồi, rồi chuốc lấy quả báo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống mãi mãi trong 3 cõi.

Chư Phật nhận biết tâm thức là cái tính bản lai (tức là cố hữu, vốn có) của sự vật duyên khởi theo nhân quả, rèn luyện theo đạo lý ấy, gột rửa các điều mê lầm thì nhận ra tâm tính đó và chứng được định Thủ Lăng Nghiêm.

Phật thuyết pháp đều do nhân duyên. Pháp gì, hoặc cao hoặc thấp đều do căn cơ của người nghe pháp, mục đích chỉ rõ những điều mê lầm và dạy bảo những phương pháp tu trì thích hợp. Lý do riêng biệt phát khởi ra kinh Thủ Lăng Nghiêm là do việc ông A-Nan đi khất thực 1 mình, mắc phải tà chú của nàng MaDangGia, gần phá giới thể. Sau khi được Phật cứu thoát, ông tự giận mình học rộng nghe nhiều mà không đủ định lực chống lại nên tha thiết cầu Phật dạy cho những phương pháp tu hành mau thành đạo Bồ đề.

Trong đoạn đầu của kinh, Phật gạn hỏi Anan dựa vào đâu mà đi tu đạo, từ đó gạn hỏi cái tâm từ đâu mà có. Phật đã chỉ ra cho Anan thấy:

  • Chấp tâm ở trong thân, ngoài thân, sau mắt, suy nghĩ chỗ nào thì tâm ở chỗ đó.
  • Chấp tâm ở chặng giữa (ở giữa bên trong và ngoài).
  • ...
Đoạn dưới đây nói về Phật nương cái thấy, gạn hỏi cái tâm cho Anan.
Phật giơ cánh tay, co năm ngón tay bảo Anan - ông có thấy không?
Anan bạch Phật : thấy
Phật hỏi : ông thấy cái gì?
Anan bạch : tôi thấy Như Lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của tôi.
Phật bảo : ông đem cái gì mà thấy?
Anan bạch : tôi cùng đại chúng đem con mắt mà thấy.
Phật bảo : ông trả lời con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy gì làm tâm để đối với cái nắm tay sáng chói của tôi?
Anan bạch: Như Lai hiện nay gạn hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy nghĩ tìm xét, tức là cái biết suy nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm.
Phật bảo: sai rồi Anan, cái ấy không phải là tâm ông. Cái ấy là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc làm con, bỏ mất tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi.
Anan bạch Phật: Thưa Thế Tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất gia. Tâm tôi chẳng những cúng dường Như Lai mà còn dùng nó để phát lòng thừa sự chư Phật và các vị bồ Tát. Dẫu cho hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất vì ngoài cái hay biết ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho những chỗ chưa giác ngộ.
Bấy giờ đức Phật xoa đầu Anan và bảo rằng:
- Như Lai thường nói, các pháp phát sinh là duy tâm biến hiện, tất cả các nhân quả, thế giới đều nhân cái tâm thành có thể tính. Anan, như trong các thế giới, hết thảy các sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây... gạn xét cỗi gốc đều có thể tính, dầu cho hư không cũng có tên, có tướng; huống chi là cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm màu, làm cho hết các sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính.
- Nếu ông quyết chấp cái tính hay suy xét, phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời xa các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn tính; chứ như hiện nay, ông vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhận cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho có diệt hết tất cả các nghe, thấy, hay biết bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biết bóng dáng pháp trần mà thôi.
- Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chính nới tâm ông, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân biệt rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải là thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng như lông rùa, sừng thỏ và pháp thân của ông cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sinh pháp nhẫn.