Thursday, February 01, 2007

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Thủ Lăng Nghiêm là cái định rốt ráo bền chắc có sẵn của tâm tính.

Tâm tính bản lai thanh tịnh, không có tán loạn, không có lay động, không có dời đổi, không do công phu mà có; đó là định Thủ Lăng Nghiêm. Chúng sinh mê lầm không nhận được chân tính, chấp có tâm ta riêng biệt, chấp có sự vật riêng biệt, theo thân theo cảnh mà sinh ra phiền não, tạo ra nhân duyên luân hồi, rồi chuốc lấy quả báo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống mãi mãi trong 3 cõi.

Chư Phật nhận biết tâm thức là cái tính bản lai (tức là cố hữu, vốn có) của sự vật duyên khởi theo nhân quả, rèn luyện theo đạo lý ấy, gột rửa các điều mê lầm thì nhận ra tâm tính đó và chứng được định Thủ Lăng Nghiêm.

Phật thuyết pháp đều do nhân duyên. Pháp gì, hoặc cao hoặc thấp đều do căn cơ của người nghe pháp, mục đích chỉ rõ những điều mê lầm và dạy bảo những phương pháp tu trì thích hợp. Lý do riêng biệt phát khởi ra kinh Thủ Lăng Nghiêm là do việc ông A-Nan đi khất thực 1 mình, mắc phải tà chú của nàng MaDangGia, gần phá giới thể. Sau khi được Phật cứu thoát, ông tự giận mình học rộng nghe nhiều mà không đủ định lực chống lại nên tha thiết cầu Phật dạy cho những phương pháp tu hành mau thành đạo Bồ đề.

Trong đoạn đầu của kinh, Phật gạn hỏi Anan dựa vào đâu mà đi tu đạo, từ đó gạn hỏi cái tâm từ đâu mà có. Phật đã chỉ ra cho Anan thấy:

  • Chấp tâm ở trong thân, ngoài thân, sau mắt, suy nghĩ chỗ nào thì tâm ở chỗ đó.
  • Chấp tâm ở chặng giữa (ở giữa bên trong và ngoài).
  • ...
Đoạn dưới đây nói về Phật nương cái thấy, gạn hỏi cái tâm cho Anan.
Phật giơ cánh tay, co năm ngón tay bảo Anan - ông có thấy không?
Anan bạch Phật : thấy
Phật hỏi : ông thấy cái gì?
Anan bạch : tôi thấy Như Lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của tôi.
Phật bảo : ông đem cái gì mà thấy?
Anan bạch : tôi cùng đại chúng đem con mắt mà thấy.
Phật bảo : ông trả lời con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy gì làm tâm để đối với cái nắm tay sáng chói của tôi?
Anan bạch: Như Lai hiện nay gạn hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy nghĩ tìm xét, tức là cái biết suy nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm.
Phật bảo: sai rồi Anan, cái ấy không phải là tâm ông. Cái ấy là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc làm con, bỏ mất tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi.
Anan bạch Phật: Thưa Thế Tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất gia. Tâm tôi chẳng những cúng dường Như Lai mà còn dùng nó để phát lòng thừa sự chư Phật và các vị bồ Tát. Dẫu cho hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất vì ngoài cái hay biết ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho những chỗ chưa giác ngộ.
Bấy giờ đức Phật xoa đầu Anan và bảo rằng:
- Như Lai thường nói, các pháp phát sinh là duy tâm biến hiện, tất cả các nhân quả, thế giới đều nhân cái tâm thành có thể tính. Anan, như trong các thế giới, hết thảy các sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây... gạn xét cỗi gốc đều có thể tính, dầu cho hư không cũng có tên, có tướng; huống chi là cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm màu, làm cho hết các sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính.
- Nếu ông quyết chấp cái tính hay suy xét, phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời xa các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn tính; chứ như hiện nay, ông vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhận cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho có diệt hết tất cả các nghe, thấy, hay biết bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biết bóng dáng pháp trần mà thôi.
- Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chính nới tâm ông, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân biệt rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải là thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng như lông rùa, sừng thỏ và pháp thân của ông cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sinh pháp nhẫn.

1 comment:

HeoCon2007 said...

Một số đoạn bình Kinh Lăng Nghiêm trong cuốn "Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20" của HT. Thích Thanh Từ - 1 số trích đoạn nguyên văn, không thêm bất cứ comment nào :) :

Kinh Lăng Nghiêm đã dạy "sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc Niết-bàn". Người muốn trở về chân tánh, không có lối nào khác hơn là phải nương vào sáu căn. Thiền sư chỉ dạy lối này rất linh động và đơn giản: Thiền sư Huệ Tịch đến phiên chăn trâu dưới sườn núi, thấy một vị tăng lên núi, không bao lâu lại xuống. Sư hỏi: "Thượng tọa sao không lưu lại trong núi?" Tăng nói: "Chỉ vì nhân duyên chẳng hợp." Sư hỏi: "Có nhân duyên gì thử nói xem." Tăng nói: "Hòa thượng hỏ? tôi tên gì? Tôi đáp Qui Chân, Hòa thượng hỏi Qui Chân ở đâu? Tôi đáp không được." Sư bảo: "Thượng tọa trở lên thưa với Hòa thượng, con nói được. Hòa thượng hỏi nói thế nào thì nên đáp trong mắt, trong tai, trong mũi…" Vị tăng trở lại nói đúng như Sư dạy. Qui Sơn quở: "Kẻ nói suông vô ích, đây là lời bậc Thiện tri thức của năm trăm người". Hỏi tên Qui Chân ở chỗ nào, chỉ thẳng trong mắt, tai, mũi… quả thật đã giải thích sáu căn là gốc bồ-đề Niết-bàn vậy.

...

Phật ở trong đại chúng đưa tay lên nắm lại xoè ra, nắm lại xoè ra, hỏi A-nan: "Nay ông thấy cái gì?" A-nan thưa: "Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe nắm." Phật bảo A-nan: "Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, hay cái thấy của ông có xòe nắm?" A-nan thưa: "Tay trăm báu của Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm, con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm." Phật hỏi: "Cái nào động, cái nào tịnh?" A-nan thưa: "Tay Phật động, tánh thấy của con còn không có tịnh, huống là động." Phật khen: "Đúng thế."

Thuật đưa tay lên để chỉ tánh thấy, trong nhà thiền ứng dụng rất tinh vi mà không giải thích. Chẳng những đưa tay, hoặc dựng cây phất tử, hoặc đưa cây gậy, hoặc chiếc gối… Đây vài hình ảnh của Thiền sư chỉ tánh thấy trong chớp nhoáng, người chậm lụt không sao thấy kịp: Thiền sư Tùng Chí ở Kim Phong, đứng trước chúng đưa chiếc gối lên bảo: "Tất cả người gọi là chiếc gối, Kim Phong nói chẳng phải." Tăng thưa: "Chẳng biết Hòa thượng gọi là gì?" Sư cầm chiếc gối đưa lên. Tăng thưa: "Như thế thì y đó mà hành." Sư hỏi: "Ngươi kêu là gì?" Tăng thưa: "Chiếc gối." Sư nói: "Rơi trong hang Kim Phong." Lại, Thiền sư Vân Môn đưa cây gậy lên trước chúng bảo: "Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích gọi nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến." Mọi người nghe thấy đều mắc kẹt ở những câu giải thích sau, ít ai thấy được cây gậy của Vân Môn. Cây gậy ấy chỉ là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Đâu không phải câu giải thích của ngài A-nan "Tay Phật động, tánh thấy của con còn không có tịnh, huống là động".

Một đoạn kinh:

Phật bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan: "Hiện giờ ông có nghe chăng?" A-nan và đại chúng đồng thưa: "Chúng con nghe." Tiếng chuông bặt dứt. Phật lại hỏi: "Hiện giờ các ông nghe chăng?" A-nan cùng đại chúng đồng thưa: "Chẳng nghe." La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật hỏi: "Hiện giờ các ông nghe chăng?" A-nan cùng đại chúng đáp: "Nghe." Phật hỏi A-nan: "Ông tại sao nghe?". A-nan cùng đại chúng đồng bạch Phật: "Nếu đánh chuông có tiếng thì chúng con nghe, đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không nghe…" Phật bảo: "Này A-nan! Tiếng bặt không còn âm vang, ông nói không nghe, nếu thật không nghe thì tánh nghe đã diệt, giống như cây khô, lại đánh một tiếng chuông thì ông làm sao mà biết? Biết có biết không chính là thanh trần hoặc có hoặc không, đâu phải tánh nghe kia là có là không. Nếu tánh nghe thật không thì ai biết nó không? Thế nên, A-nan! Tiếng ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ông do tiếng có tiếng không mà nó thành có thành không…"

Đoạn kinh này Phật chỉ tánh nghe thật quá rõ ràng. Thiền sư cũng chỉ tánh nghe mà rất ẩn mật. Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn đi tham vấn Thiền sư Đại Đồng Đầu Tử, từ giã ra về. Đầu Tử tiễn ra cửa, liền gọi: "Đạo giả!" Tuyết Phong ngoái đầu lại: "Dạ!" Đầu Tử bảo: "Đi đường vui vẻ." Lại một Thiền sư cũng chỉ như thế. Có sứ thần đến viếng Thiền sư Đạo Minh (Trần Tôn Túc). Sứ thần hỏi: "Ba cửa đều mở, từ cửa nào vào?" Sư gọi: "Thượng thơ!" Sứ thần ứng thinh: "Dạ!" Sư bảo: "Từ cửa tín vào." Sứ thần nhìn lên vách thấy tượng vẽ, hỏi: "Hai tôn giả đối mặt luận việc gì?" Sư gõ cây cột nói: "Trong ba thân cái nào chẳng nói pháp?" Đây là những thuật dạy rất nhanh và rất kín của Thiền sư, muốn cho người hỏi ngộ được tánh nghe mà không dùng lời giải thích.
...
Thiền tông chủ trương kiến tánh khởi tu hay đốn ngộ tiệm tu. Trường hợp ngài A-nan quả đúng như thế. Trước nhờ Phật và pháp nên thấy được pháp thân, đây là Kiến tánh. Thấy được pháp thân rồi mới biết cách đền ơn Phật, biết thương xót chúng sanh, nên phát tâm đại bi. Song còn những thứ hoặc vi tế cần phải tiệm tu mới sạch. Sau cùng thệ quyết trên đường tu không còn thối chuyển. Quả là Thiền và Kinh hội ngộ trong bài kệ này.

Phan 4. Toát yếu toàn bộ:

Toàn bộ kinh Lăng Nghiêm, chúng tôi tóm lược chia thành hai phần chánh: "kiến tánh, khởi tu" hay "đốn ngộ, tiệm tu". Trong hai phần này lại chia vài phần nhỏ. Kiến tánh: biết giả, nhận thật. Khởi tu: tu chánh, tu phụ và biết ma.

a. Kiến tánh hay đốn ngộ:

Kiến tánh tức là nhận ra được Pháp thân. Pháp thân chính là bản thể chân thật của chúng sanh. Trước khi chỉ ra cái thật, đức Phật phá mọi lầm chấp những thứ hư giả.

Mở đầu vào cuộc đối thoại, đức Phật hỏi Tôn giả A-nan lý do gì đi xuất gia. Tôn giả A-nan thưa rằng: "Vì ưa thích thân ba mươi hai tướng tốt của Phật nên phát tâm xuất gia." Phật hỏi A-nan: "Lấy cái gì thấy thân ba mươi hai tướng? Lấy cái gì ưa thích?" Tôn giả A-nan trả lời: "Do mắt thấy thân Phật, tâm sanh ưa thích." Thế là bước vào bảy chỗ hỏi tâm, khiến Tôn giả A-nan đi đến tận cùng chỗ chấp, quả nhiên tâm ấy không thật. Kế Phật chỉ cảnh và thân là tướng dao động sanh diệt, mà tánh thấy chưa bao giờ dao động. Từ đây Phật vừa phá chấp giả, đồng thời chỉ cái thật. Cái giả là thân và cảnh, cái thật là tánh thấy. Cho đến "tám thứ trả về" (bát hoàn) cũng cốt chỉ tiền trần hư giả, tánh thấy chân thật. Kể cả ngũ ấm, thập bát giới, thất đại đều là tướng hư giả, theo nghiệp ứng hiện, gốc từ Như Lai tạng lưu xuất. Như Lai tạng là thể chân thật, ví như mặt trăng thật. Tánh thấy gần kề cái chân thật ấy, song chưa hoàn toàn thật, ví như mặt trăng thứ hai, do ấn con mắt thấy. Đến đây, Tôn giả A-nan nhận ra được bản tánh, nói kệ trình bày sở ngộ.

b. Khởi tu hay tiệm tu:

Phần tu chánh, Phật chỉ rõ sáu căn là nhân luân hồi, sáu căn cũng là nhân giải thoát. Trong sáu căn chọn một căn viên thông, tu hành chóng thành đạo. Ví như cái khăn có sáu gút, một gút mở, sáu gút đồng thời xổ ra. Kế Phật bảo hai mươi lăm vị thánh trình bày chỗ tu chứng của mình. Rốt sau Phật dạy Bồ-tát Văn Thù chọn lựa căn nào viên thông và phù hợp với cõi này. Bồ-tát Văn Thù chọn qua, sau cùng thừa nhận "nhĩ căn" là viên thông hơn cả. Đây là lối tu "Phản văn văn tự tánh" của Bồ-tát Quán Thế Âm. Yếu điểm tu hành của Bồ-tát Quán Thế Âm là: "Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng quên cái bị nghe. Chỗ vào đã lặng lẽ thì hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế, tiến lên dần dần, cái hay nghe và bị nghe đều mất, cũng không trụ chỗ mất. Cái năng giác và sở giác không. Cái không giác hoàn toàn tròn, không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền". Bồ-tát Văn Thù khuyến khích đại chúng và A-nan rằng: "Xoay cơ quan nghe của ông, trở lại nghe tánh nghe của mình, thành tựu tánh nghe là đạo Vô thượng. Viên thông thật như thế. Đây là con đường vào cửa Niết-bàn của chư Phật như số vi trần…"

Lối tu "Phản văn văn tự tánh" có lắm người hiểu sai lầm, tu không tiến, trở lại thành bệnh. Bởi vì cứ nghĩ rằng xoay cái nghe trở lại tánh nghe của mình, rồi họ ngồi yên nghe trở lại trong hông ngực, lâu ngày thành thổ huyết. Chữ "phản" ở đây có nghĩa là ngược lại, thay vì từ thuở nào đến giờ, chúng ta thả xuôi cái nghe chạy theo âm thanh, có âm thanh là có nghe, không âm thanh cho là không nghe, quên mất tánh nghe thường còn của mình. Nay đây, mỗi khi nghe âm thanh, chúng ta biết mình có tánh nghe, bao nhiêu âm thanh liên tục bên tai, ta không chạy theo chúng, chỉ nhớ mình đang có tánh nghe, nghe tất cả. Nhớ tánh nghe là không nhớ thanh trần. Tánh nghe thì thường hằng, thanh trần vì động tịnh nên sanh diệt. Hằng nghe là giác tri, chính nó hiện tướng của tánh giác. Sống với tánh nghe là sống với hiện tướng của tánh giác chân thật, nên gọi là con đường vào cửa Niết-bàn. Trọn ngày chúng ta đi đứng nằm ngồi có bao nhiêu âm thanh vang tai, chúng ta chỉ vui vẻ nhẹ nhàng nhớ mình có tánh nghe đang nghe mọi âm thanh. Khi tọa thiền cũng thế, từ tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng thằn lằn chắc lưỡi, tiếng gió rì rào bên ngoài…, chúng ta đều nghe, mà chỉ nhớ mình đang có tánh nghe, chớ không chạy theo tiếng để phân biệt. Đây là thuật "Phản văn văn tự tánh". Chẳng những nghe thôi, mà cả thấy, ngửi, nếm, xúc chạm đều có thể "phản văn" được hết. Đó là lối tu "Tự tánh thanh tịnh thiền" của Thiền tông. Sống với tánh nghe của chúng ta, tức là trở về nguồn giác, nên gọi là "vào dòng" (nhập lưu). Hằng nhớ tánh nghe thì lơ là với âm thanh, gọi là "quên cái bị nghe" (vong sở). Sống thuần thục với tánh nghe rồi thì hai tướng động tịnh chẳng sanh. Cho đến năng giác sở giác đều không, mọi thứ đối đãi dứt bặt, chỉ còn một tánh giác tịch tĩnh như như. Thế là đạt đạo viên mãn. Tuy nhiên như thế, cũng cần có phần trợ giúp mới chóng viên thành.

Phần tu phụ, chánh yếu là trở về tánh giác, song nhờ có sự phụ trợ để vô minh vi tế chóng sạch. Trong kinh phần phụ dạy phải gìn giữ giới luật. Có giữ giới luật người tu thiền mới viên mãn quả giải thoát. Nếu tu thiền mà không có giới luật, tùy sự tu hành cao thấp, hoặc sanh làm quỉ thần, hoặc sanh vào các cõi trời. Tu thiền mà có giới luật là đi đúng đường của đức Phật dạy, sớm muộn gì cũng đến Phật quả.

Nếu người tu có nhiều ma chướng, Phật dạy có thể trì thần chú Lăng Nghiêm phụ giúp cho ma chướng chóng tiêu.

Biết ma: Sau cùng bộ kinh, Phật nói về ngũ ấm ma. Người tu thiền vượt qua mỗi ấm có mười thứ ma làm chướng ngại. Ma ấy vốn từ sự tu hành dằn ép của thiền giả mà phát hiện. Thiền giả khéo thấy những cảnh lạ, tự biết đừng chấp thì cảnh ấy đều là tốt, khởi chấp mình đã được đạo, chứng thánh v.v… là rơi vào lưới của ma.

Tóm lại, đường lối tu hành trong kinh Lăng Nghiêm lấy Thiền làm căn bản. Song muốn tu thiền trước phải đốn ngộ sau mới tiệm tu. Quả nhiên kiến tánh khởi tu của Thiền cùng đốn ngộ tiệm tu của Kinh rõ ràng không có hai pháp.