Saturday, January 03, 2009

Tâm Hỷ (Mudita)

Đức tánh cao thượng thứ ba trong Tứ Vô Lượng Tâm là Hỷ, vui (Mudita).

Mudita, Hỷ, không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào. Hỷ (Mudita) là tâm vui thích trước hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sanh. Ganh tỵ là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ. Hỷ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tỵ.

Ganh tỵ có sức phá hoại vô cùng nguy hiểm. Có nhiều người lấy làm khó chịu bực tức khi thấy hoặc nghe nói người khác thành tựu mỹ mãn một công trình. Thấy người thất bại thì vui mừng, mà không thể chịu đựng sự thành công của kẻ khác, và cố gắng phá hoại hoặc bóp méo sự thật để chê bai, thay vì vui lên để tán dương thắng lợi của người.

Đứng về một phương diện, chính người có tâm Hỷ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại, hơn là người khác, vì tâm Hỷ không chấp chứa lòng ganh tỵ. Về một phương diện khác, người có tâm Hỷ không bao giờ làm trở ngại tiến bộ và phá rối tình trạng an lạc của ai.

Cũng như tâm Từ, tâm Hỷ đối với thân bằng quyến thuộc phát hiện rất dễ dàng nhưng khó mà bộc lộ trước những người thù nghịch. Thật vậy, con người bình thường không bao giờ có thể biểu lộ sự hoan hỷ vui mừng trước cái vui của người thù nghịch. Lòng ganh tỵ lại còn thúc đẩy con người làm những điều vô cùng độc ác. Socrates, một nhà hiền triết Hy Lạp, bị bắt buộc phải quyên sinh bằng thuốc độc. Chúa Christ (Ki Tô) bị đóng đinh trên thánh giá. Thánh Gandhi(Cam Địa) bị ám sát. Đức Phật bị lăn đá gây thương tích.

Đó là bẩm tánh tội lỗi của thế gian, đang miệt mài say đắm trong ảo mộng.

Nếu so sánh với tâm Từ và tâm Bi, tâm Hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn phát triển tâm Hỷ phải có ý chí mạnh mẽ và phải tận lực cố gắng.

Đặc tánh của tâm Hỷ là hoan hỷ với người thành công, người lộc cao phúc hậu (anumodana). Vui cười không phải là đặc tánh của tâm Hỷ và ra vẻ hân hoan, giả làm ra tuồng thỏa thích, được coi là kẻ thù gián tiếp của tâm Hỷ.

Tâm Hỷ bao trùm những chúng sanh hữu phúc. Tâm Hỷ là phẩm hạnh thành thật chia vui, chung cùng hoan hỷ với lòng ngợi khen và loại trừ mọi hình thức bất mãn (arati), trước sự thành công của kẻ khác.

No comments: