Thursday, January 01, 2009

Tâm Từ (Mettà)

Trong Tứ Vô Lượng Tâm, trạng thái cao thượng đầu tiên là tâm "Từ", tiếng Pàli là Mettà, Sanskrit là Maitri.

Nghĩa trắng của Mettà là cái gì làm cho lòng ta êm dịu hay tâm trạng của người bạn tốt. Mettà (tâm Từ) được định nghĩa là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. Mettà có khi cũng được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thật muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.

Ðức Phật khuyên dạy:

"Tâm Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, chăm nom bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng." -- Mettà Sutta

So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh Mettà Sutta (Từ Bi), Ðức Phật không nhấn mạnh đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Ngài chỉ nhắm vào sự mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền, muốn cho người con duy nhất của mình được sống an lành. Tâm Từ (Mettà) không phải sự yêu thương thiên về nhục dục, cũng không phải lòng trìu mến, luyến ái một người nào bởi vì cả hai, tình dục và luyến ái đều là nguyên nhân chắc chắn sẽ phát sanh phiền muộn.

Tâm Từ (Mettà) không phải chỉ là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sanh, không trừ bỏ sanh linh nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của ta, cũng không phải là tình huynh đệ giữa những người cùng một tôn giáo, hay cùng một quốc gia.

Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên các tình huynh đệ hẹp hòi ấy. Phạm vi của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sanh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.

Tựa hồ như ánh sáng mặt trời, bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

Người có tâm Từ vô lượng vô biên như thế ấy là Ðức Phật, Ngài đã tận tâm tạo an lành hạnh phúc cho tất cả những người thân yêu kỉnh mộ Ngài cũng như những người ganh tỵ, oán ghét, và những người âm mưu ám hại Ngài.

Tâm Từ của Ðức Phật đối với Ràhula (La Hầu La), con Ngài, không có chút gì khác hơn là đối với Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), người đã coi Ngài là thù nghịch và với Ðại Ðức nnanda (A Nan), vị thị giả thân tín rất kính mến Ngài.

Tâm Từ bao la rộng rãi, đồng đều, đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác ý với mình. Như chàng kia đi trong rừng với một người bạn, một người không quen biết, và một người thù, gặp một tướng cướp dữ tợn. Tên cướp quyết định phải giết một người. Nếu anh chàng chịu hy sinh mạng sống để cứu các bạn đồng hành thì ra anh thiếu tâm Từ đối với chính mình. Nếu anh tính rằng một trong ba người kia đáng chịu hy sinh thì anh lại không có tâm Từ đối với người ấy.

Ðặc điểm của tâm Từ thật sự là như vậy. Có lòng từ ái vô biên đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Hy sinh mạng sống mình vì một lợi ích nào là một đức độ cao thượng khác, và không chấp ngã lại là một loại tâm cao thượng khác nữa. Ðó là quan điểm tế nhị mà ta không nên lẫn lộn. Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là 'Ta' lần lần mở rộng, lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

Thật ra không có danh từ Anh ngữ nào tương đương để diễn tả đúng nghĩa chữ "Mettà" nhẹ nhàng êm dịu trong tiếng Pàli. Thiện ý, từ ái, hảo tâm, bác ái, là những danh từ được xem là gần đồng nghĩa nhất với Mettà.

Nghịch nghĩa với Mettà là sân hận, ác ý, thù oán, ghen ghét. Tâm Từ và sân hận không thể phát sanh cùng một lúc. Thù oán cũng không thể chứa đựng Metttà.

Ðức Phật dạy:

"Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ mới dập tắt lòng sân."

Không những dập tắt được lòng sân, tâm Từ, Mettà còn diệt trừ các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm Từ (Mettà) không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không bao giờ sợ ai, cũng không bao giờ làm ai sợ.

Kẻ thù gián tiếp thường mang lốt bạn của tâm Từ một cách sâu ẩn bất ngờ là lòng trìu mến vị kỷ. Nếu quan niệm không đúng, tâm Từ có thể dễ dàng trở thành luyến ái. Kẻ thù gián tiếp nầy thật là tế nhị mà cũng thật hiểm độc. Nó hành động như người ẩn núp trong rừng sâu hay ở sau một sườn núi để chờ cơ hội ám hại một người khác. Trìu mến đem lại đau khổ. Tâm Từ chỉ tạo an lành hạnh phúc.

Ðây là điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu trìu mến con, con trìu mến thương yêu cha mẹ; vợ mến chồng, chồng mến vợ.

Tình thương và tâm luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luyến ái luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ.

Cố ý mong muốn làm cho kẻ khác được yên vui là đặc điểm quan trọng của tâm Từ. Người có tâm Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sanh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không bao giờ nhìn phần xấu xa hư hỏng của một ai.

Tâm Từ đem lại nhiều quả phúc:

1) Người có tâm Từ luôn luôn ngủ được an vui. Ngủ với tâm trạng thơ thới, không giận hờn, không lo âu sợ sệt, tự nhiên giấc ngủ sẽ đến dễ dàng. Mỗi người đều có thể kinh nghiệm. Người có tâm Từ nhắm mắt là ngủ, và ngủ ngon lành.

2) Khi đi ngủ với tâm từ ái an lành, tự nhiên lúc tỉnh giấc, thức dậy cũng với tâm an lành. Người từ ái bi mẫn thường ngủ dậy với gương mặt vui vẻ.

3) Người có tâm Từ không bị những điềm chiêm bao mộng mị khuấy rầy tâm trí, không thấy những điều xấu xa, ghê tợn. Trong khi thức, lòng đầy tâm Từ thì trong lúc ngủ cũng thanh bình an lạc. Dầu có nằm mộng cũng thấy điều vui vẻ an lành.

4) Người có tâm Từ đối với kẻ khác, tất nhiên sẽ gặt hái những cảm tình ưu ái của mọi người.

Khi nhìn vào gương, nếu mặt ta vui vẻ hiền lành, phản ảnh của nó sẽ hiền lành vui vẻ. Trái lại nếu mặt ta cau có quạu quọ, phản ảnh của nó ắt cũng cau có quạu quọ. Cùng một thế ấy, thế gian bên ngoài là phản ảnh của những hành vi, tư tưởng, thiện hay ác của con người. Người hèn hạ xấu xa chỉ biết nhìn vào tội lỗi của kẻ khác, những gì tốt đẹp thì không màng biết đến.

Một thi hào người Anh đã viết ra những dòng thơ rất đẹp đẽ và thâm thúy, có nhiều ý nghĩa:

"Tôi nhìn anh tôi qua Kính Hiển Vi của sự Chỉ Trích
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật thô lỗ!"
Nhìn anh tôi qua Kính Viễn Vọng của sự Khinh Bỉ
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật bé nhỏ thấp hèn!"
Rồi tôi nhìn vào 'Tấm Gương Chân Lý'
Và tôi nói, "Anh tôi thật giống hệt như tôi!"

Trong con người tốt nhất cũng có những điểm khiếm khuyết, mà trong con người xấu nhất cũng có những điểm tốt. Tại sao ta chỉ tìm phần xấu xa tội lỗi mà không để ý đến phần tốt của người? Nếu mỗi người đều nhìn vào phần tốt đẹp của nhau, nhân loại đã tìm được nguồn hạnh phúc dồi dào vậy.

5) Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của nhân loại mà cũng là bạn thân của tất cả chúng sanh. Loài cầm thú cũng lấy làm vui thích được sống gần những bậc hiền nhân đạo đức. Các vị tu sĩ sống đơn độc một mình ở chốn rừng sâu, giữa đám sài lang hổ báo, chỉ nhờ có tâm Từ để tự bảo vệ.

6) Do năng lực của tâm Từ (mettà) thuốc độc không hại được hành giả, ngoại trừ trường hợp người ấy phải trả một nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ.

Vì tâm Từ (mettà) là một năng lực dũng mãnh, khi được thực hành đúng mức có khả năng đổi dữ ra lành. Cũng như tư tưởng oán ghét thù hận có thể tạo nên những chất độc ảnh hưởng đến cơ thể con người, cùng thế ấy tâm Từ có thể tạo ảnh hưởng an lành giúp hành giả thêm sức khoẻ. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp cơ thể con người trở nên lành mạnh.

Kinh sách có chép lại chuyện bà Suppiyà, một tín nữ giàu lòng bi mẫn và có tâm đạo nhiệt thành. Bà Suppiyà mang một vết thương nặng trên vế. Hôm nọ, Ðức Phật đi bát đến trước nhà, được chồng bà cho biết rằng bà đang lâm bệnh không thể ra đảnh lễ Ngài. Ðức Phật bảo cứ đưa bà ra. Bà cố gắng đi lần ra cửa. Vừa thấy mặt Ðức Phật, vết thương của bà bỗng dưng lành lại, bà trở nên mạnh khỏe như thường.

Chính lòng thành kính trong sạch của bà khi được diện kiến Ðức Phật, hợp với năng lực của tâm Từ mà Ðức Phật rải đến, đã cứu bà khỏi bệnh.

Một đoạn kinh khác thuật rằng khi Ðức Phật trở về quê nhà lần đầu tiên, con Ngài là Ràhula (La Hầu La), lúc ấy vừa lên bảy, đến gần Ngài và bạch:

"Bạch Ðức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm cho lòng con mát mẻ lạ thường."

Tâm Từ của Ðức Phật bao trùm lấy cậu bé Ràhula và có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ làm cho cậu vô cùng cảm kích.

7) Người có tâm Từ luôn luôn được chư Thiên hộ trì.

8) Tâm Từ được an trụ dễ dàng vì không bị những tư tưởng trái ngược khuấy động.

Với tâm thanh bình an lạc, người có tâm Từ sẽ sống ở cõi trời, và cõi trời ấy chính ta tạo ra. Chí đến những ai lân cận tiếp xúc với người có tâm Từ cũng chứng nghiệm được phước lành ấy.

9) Người có tâm Từ gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ảnh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể chạy mau gấp đôi ba lần lúc bình thường, trở nên nóng, dồn lên làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác thoải mái an lành, máu được thanh lọc trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến.

Kinh sách chép rằng sau khi Ðức Phật thành tựu Ðạo Quả Phật, trong lúc ngồi tham thiền, suy niệm về pháp Nhân Quả Tương Quan (Patthanà), tâm hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể tuyệt đối thanh tịnh, lúc ấy từ bên trong pháp thân Ngài phát tủa ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, và màu cam, bao phủ châu thân Ngài.

10) Người thấm nhuần tâm Từ đến lúc lìa đời cũng được an vui, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ảnh của sự ra đi thanh bình an lạc.

11) Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.

Nếu đã đắc Thiền (Jhàna), người ấy sẽ tái sanh vào cảnh giới của chư Phạm Thiên.

Năng Lực Của Tâm Từ (Mettà)

Ngoài những lợi ích có tánh cách vật chất, tâm Từ còn có năng lực hấp dẫn mạnh mẽ phi thường. Tâm Từ có thể gieo những ảnh hưởng tốt đẹp từ xa đến một người khác. Mọi người đều cảm thấy yên vui khi ở gần người lành.

Một hôm, Ðức Phật đến chỗ nọ. Trong hàng các thân hào đến đảnh lễ Ngài, có một trưởng giả tên Roja, trước kia là bạn thân của Ðức nnanda. Thấy Roja, Ðại Ðức nnanda nói: "Sư lấy làm vui mà thấy Roja hôm nay đến đây đảnh lễ ra mắt chào mừng Ðức Phật." Roja liền trả lời: "Thật ra không phải tôi đến đây để tỏ lòng thành kính Ðức Phật. Sở dĩ tôi đến đây hôm nay là vì chúng tôi đánh cuộc với nhau rằng người nào không đến đảnh lễ Ðức Phật sẽ bị phạt năm trăm đồng vàng. Chính vì sợ mất tiền mà tôi đến."

Ðức nnanda lấy làm thất vọng, đến bạch tự sự cho Ðức Phật rõ và xin Ngài tế độ người bạn thân của mình. Ðức Phật liền rải tâm Từ đến Roja, rồi trở về tịnh thất.

Lúc ấy Roja thấy khắp châu thân mình đượm nhuần một luồng cảm xúc mát mẻ lạ thường dường như từ Ðức Phật đưa đến. Bị cảm kích quá mạnh, chàng không thể cưỡng kháng lại ý muốn gặp ngay Ðức Phật. Không khác nào bò con chạy theo mẹ, Roja chạy vào chùa, từ tịnh thất nầy đến tịnh thất kia, để tìm Ðức Phật. Ðược chỉ dẫn đến nơi, Roja gỏ cửa. Cửa vừa mở, ông lật đật đảnh lễ Ðức Phật, rồi nghe Ðức Phật giảng Pháp và xin quy y.

Ðó là một trường hợp cho thấy rằng tâm Từ có sức hấp dẫn thật mạnh mà mỗi người đều có thể tu tập, tùy theo khả năng của mình, vì cũng như các đức tánh khác trong Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong mọi người.

Trong một tích chuyện khác, có người muốn hại Ðức Phật, cho voi uống rượu đến say rồi lùa chạy ngay lại phía Ngài. Con voi hung tợn cắm đầu chạy đến Ðức Phật, định làm dữ. Thản nhiên, Ðức Phật rải tâm Từ đến voi và chế ngự trong khoảnh khắc.

Mẫu chuyện hứng thú sau đây có thể được tường thuật nhằm cho thấy đến mức độ nào một vị Bồ Tát có thể rải tâm Từ vô lượng đến người cha đã hạ lệnh giết Ngài. Mặc dầu trẻ tuổi Bồ Tát nghĩ như thế nầy:

"Ðây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm Từ. Ðứng trước đây là cha ta. Mẹ ta đang khóc than thê thảm. Kìa là đao phủ sẵn sàng hành quyết ta, và ta đây là nạn nhân đang đứng ở giữa. Ta phải rải tình thương đồng đều đến tất cả bốn người. Ngưỡng nguyện cha ta khỏi phải chịu quả xấu do hành động hung ác nầy gây ra. Mong cầu cha ta, mẹ ta, tên đao phủ, và ta, được hạnh phúc an vui, không đau khổ, không tật bệnh, không gây oan trái. Nhờ năng lực tâm Từ nầy, ngưỡng nguyện rằng ngày kia ta sẽ thành Phật."

Trong vô lượng tiền kiếp, một ngày kia, khi Ðức Phật còn là Bồ Tát, đang hành Nhẫn Nhục Ba La Mật trong ngự uyển. Hôm ấy nhà vua say rượu. Muốn thử xem hạnh nhẫn nhục của Ngài đến đâu, vua truyền lệnh cắt tay và chân Ngài. Ngài vẫn điềm nhiên, lặng lẽ hành pháp nhẫn. Vua lấy làm tức giận, dùng gót chân đá vào ngực Ngài. Ngài ngã gục trên vũng máu, hoi hóp thở những hơi thở cuối cùng, nhưng lòng vẫn bảo lòng:

"Người như ta không bao giờ sân hận, oán thù."

Một vị tỳ khưu xứng đáng phải có tâm Từ rộng rãi bao la. Không đào đất, cũng không bảo người đào, vì sợ rủi ro làm chết côn trùng. Vị tỳ khưu chân chánh cũng không uống nước chưa lọc. Lời dạy sau đây của Ðức Phật cho ta một ý niệm thế nào là tâm Từ mà một vị tỳ khưu nên có:

"Nếu có bọn cướp hung tợn dùng cưa cưa con ra từng mảnh và nếu con sanh tâm tức giận hoặc căm thù kẻ cướp, chính lúc ấy con đã không thực hành lời dạy của Như Lai."

Quả thật rất khó mà chịu đựng và nhẫn nại đến mức ấy. Nhưng đó là mức sống lý tưởng mà Ðức Phật trông đợi hàng đệ tử Ngài cố gắng thành đạt. Chính Ðức Phật đã nêu gương lành cao thượng. Ngài dạy :

"Như đàn voi lâm trận không kể lằn tên mũi đạn, ta phải can đảm chịu đựng những điều bất hạnh của đời. Phần lớn nhân loại sống ngoài khuôn khổ giới luật. Ta phải có thái độ của đàn voi lâm trận: mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác, bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của đời, và thản nhiên vững bước trên đường phạm hạnh."

Chúng ta đang sống trong một thế gian hỗn loạn, giữa những tình thế căng thẳng và luôn luôn lo sợ hiểm họa chiến tranh. Các quốc gia ngày nay ráo riết võ trang chống đối lẫn nhau và nhân loại không ngớt phập phồng chờ đợi một loại võ khí nguyên tử thình lình từ không trung rơi xuống.

Trong giờ phút nầy, thế gian ắt đang trông đợi một tâm đại từ đại bi cứu khổ để mỗi người được sống an lành trong cảnh thái bình, thuận hòa trong tình huynh đệ.

Ta lại tự hỏi : "Trước sự hăm dọa của bom đạn, trên thực tế có thế nào ta bình thản thực hành tâm Từ được không?" Một người thường có thể làm gì để chống lại đám mưa bom? Trong tay không có một món vũ khí, người dân thường có thể làm gì để chặn đứng lằn tên mũi đạn?

Trước cái chết sắp đến, tâm Từ của Phật Giáo là một khí giới ôn hòa và hữu hiệu để ngăn ngừa bom đạn.

Nếu các quốc gia hiếu chiến khứng chịu đem tâm Từ thay thế vũ khí để cai trị thế gian bằng công lý và tình thương, thay vì bạo lực cường quyền, thì nhân loại ắt được an cư lạc nghiệp và hạnh phúc lâu dài.

Gác qua một bên những vấn đề quan trọng mà chính ta không thể giải quyết, ta nên quan tâm đến riêng phần ta và phần còn lại của nhân loại bằng cách tận lực chuyên cần trau giồi và phát triển phẩm hạnh từ ái (mettà) dịu hiền.

Thực Hành Tâm Từ (Mettà) Như Thế Nào?

Sau đây là một vài chỉ dẫn thực tế để thực hành tâm Từ.

Trước tiên hành giả phải gieo trồng tâm Từ cho chính mình. Muốn vậy, phải rải khắp châu thân và tâm những tư tưởng an vui hạnh phúc.

Hành giả tưởng niệm:

"Tâm tôi rất yên tĩnh, thân tôi rất an vui. Tôi không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. Tôi thể hiện tâm Từ. Hào quang từ ái bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi tư tưởng ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch. Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác. Tôi lấy tốt đáp xấu, lấy tâm Từ trả lại lòng sân hận."

Hằng ngày rèn luyện tinh thần như thế, dần dần hành giả trở nên vô cùng quảng đại, quên tất cả những điều xấu xa của kẻ khác và giữ tâm hoàn toàn trong sạch, không còn bợn nhơ sân hận, oán thù.

ánh sáng hạnh phúc tủa ra khắp châu thân, hành giả ban rải hạnh phúc ấy đến người khác bằng những tư tưởng an lành và bằng những hành động vị tha, thể hiện tâm Từ trong cuộc sống hằng ngày.

Khi tâm được an vui và không bị những tư tưởng sân hận làm chao động, hành giả sẽ dễ dàng rải tâm Từ đến cho kẻ khác. Ta không thể cho ai một vật mà chính ta không có. Trước khi muốn làm cho người khác được an vui, chính hành giả phải được an vui, phải biết làm thế nào cho mình được an vui.Hành giả rải tâm Từ đến thân bằng quyến thuộc, riêng từng người, rồi đến toàn thể, và ước mong mọi người đều lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, sân hận.

Hành giả cũng rải tâm Từ đến bạn bè và những người không quen biết và thành thật ước mong cho những người nầy, như trước kia đã ước mong cho mình và thân bằng quyến thuộc mình được an vui, hạnh phúc và lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, và sân hận.

Sau cùng, mặc dầu là khó, hành giả rải tâm Từ đến cho những người có ác ý với mình, nếu có. Rải tâm Từ đến những người coi mình là thù nghịch, lấy thái độ ôn hòa đối lại những cử chỉ bất hòa là hành động của bậc anh hùng quân tử, đáng được làm gương cho đời. Ðức Phật dạy: "Hãy giữ tâm luôn luôn trong sạch giữa đám người đầy thù hận."

Hành giả rải tâm Từ đến tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ, không trừ bỏ một loài cầm thú nhỏ nhen câm điếc nào. Hành giả tự đồng hóa với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Tâm không còn một điểm vị kỷ, hành giả đã vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ riêng tư. Không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, hành giả có thể nhìn toàn thể thế gian là nơi chôn nhau cắt rún và tất cả mọi người là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

Tham khảo Tứ Vô Lương Tâm ở đây:

  • http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-ngan/4tam-vn.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/ducphatvaphatphap-42.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/phathocphothong-04-09.htm
  • http://www.thuvienhoasen.org/lienhoa302-15.htm

No comments: