Friday, May 25, 2007

Tính giác và bản giác

Phật thường dạy: Tính giác là diệu minh, bản giác là minh diệu.

Tự tính chúng sinh là giác, không phải vô tri như cây, như đá nên gọi là tính giác. Tính giác ấy là diệu, nghĩa là duyên khởi ra các sự vật, và minh là nhận biết các sự vật.

Tính giác là diệu minh có nghĩa là cái diệu của tính giác luôn luôn là minh.

Chúng sinh mê lầm ở nơi tính giác, chỉ theo cái minh mà không biết cái diệu, nhận cái minh làm giác nên cái diệu hóa thành sở minh, hình như ở ngoài cái giác. Năng sở đã thành lập thì vọng chấp ngày càng nhiều, do đó theo trần cảnh mà phân biệt, mà tạo nghiệp tự cột mình trong vòng sinh diệt.

Đến khi được nghe phật pháp, chúng sinh nương theo bản tính mà tinh tiến tu hành, lúc nhận được bản tính của mình không những là minh mà còn là diệu nữa thì gọi là thủy giác. Thủy giác trông về tính giác, gọi tính giác đó là bản giác, là bản lai sẵn có của mình. Bản giác ấy thường mình và thường diệu, cái minh luôn hợp với cái diệu, chứ không phải tách rời cái diệu như trong lúc mê lầm gợi là bản giác minh diệu.

3 comments:

Nguyễn Thế Vinh said...

Trong tính giác không có năng có sở đó, lập ra thành có năng minh, sở minh; và trong tính giác không có đồng có khác kia, bỗng nhiên ra thành có khác. Rồi những gì khác với những cái đã cho là khác thì gọi là đồng. Nhân có đồng có khác lập ra cái không đồng, không khác, đối đãi với nhau rỗi loạn mãi mãi sinh ra vọng tưởng, phát ra trần cảnh làm cho tính giác trở thành ô nhiễm. Cái thức phân biệt đó, thật là pháp hữu vi, là then chốt tạo ra thế giới, chúng sinh và nghiệp quả.

Nguyễn Thế Vinh said...

Lời Phật tiếp, dạy Phú Lâu Na:
Lại nữa, Phú Lâu Na, vọng tưởng chẳng phải gì khác, do tính giác minh hóa ra lầm lỗi; cái sở minh hư vọng đã lập thì cái năng minh không vượt khỏi được. Do nhân duyên ấy, nghe không ra ngoài tiếng, thấy không vượt khỏi sắc, sáu cái vọng: sắc hương, vị, xúc... đã thành lập thì do đó chia ra có thấy, nghe, hay biết.
Chúng sinh ràng buộc lẫn nhau mà hợp, mà ly, mà thành mà hóa. Cái thấy phát cái minh, thì các sắc phát ra; nhận rõ nơi sự thấy thì thành ra có tư tưởng; rồi ý kiến khác nhau thì thành ra ghét, tưởng niệm đồng nhau thì thành ra yêu. Lan cái yêu ra thành ra hạt giống, thu nập tưởng niệm thành ra cái thai, giao xen phát sinh hấp dẫn chúng sinh...
Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh hay hóa sinh là tùy phần sở ưng: Noãn chỉ do tưởng niệm mà sinh, thai thì nhân ái tình mà có, thấp sinh thì cơ cảm mà hợp lại, còn hóa sinh thì phân ly mà ứng hiện. Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau nên các loài chịu nghiệp báo cũng theo đó mà lên xuống, tiếp tục.
Phú Lâu Na, tư tưởng thương yêu ràng buộc lẫn nhau, yêu mãi không rời, thì những cha mẹ con cái trong thế gian nay sinh nhau không ngớt, bọn này lấy dục tham làm gốc. Lòng tham, lòng yêu giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi, thì các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh trong thế gian tùy sức mạnh yếu ăn nuốt lẫn nhau. Lấy thân người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến ười loài chúng sinh chết sống, sống chết, ăn nuốn lẫn nhau, nghiệp dữ cùng sinh ra tột đời vị lai, lấy tham đạo làm gốc.
Người nay mắc nợ thân mệnh người kia, người kia trả nợ cũ cho người nay; do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong đường sống chết.
Phú Lâu Na, ba thứ tiếp tục điên đảo ấy, đều do tính sáng suốt biết rõ của giác minh, nhân biết rõ phát ra có tưởng, theo vọng tưởng mà kiến chấp sinh ra, các tưởng hữu vi núi sông, đất liền thứ lớp dời đổi, đều nhân cái hư vọng đó xoay vần sau trước.

HeoCon2007 said...

Trích: "Trong nhà thiền, con người chân thật còn được gọi là Bản lai diện mục hay là ông chủ. Trường hợp Lục tổ Huệ Năng khi nhận được y bát của Ngũ Tổ rồi, Ngài rời Huỳnh Mai ra đi. Có một đoàn người dẫn đầu là Thượng tọa Huệ Minh đuổi theo để đoạt lại y bát... Nhưng khi Thượng tọa Minh gặp Lục Tổ rồi, thưa rằng: “tôi đến đây vì cầu pháp, chớ không phải giành lại y bát”, Lục Tổ bảo: “Nếu muốn cầu pháp, ông hãy bình tĩnh lắng tâm nghe tôi hỏi.” Thượng tọa Minh yên lặng giây lâu, Lục Tổ mới hỏi: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay đó ngài Huệ Minh ngộ, Ngài ngộ cái gì? Ngài ngộ cái bản lai diện mục. Bản lai là xưa nay, diện mục là mặt mắt, tức là bộ mặt sẵn có của mình từ xưa đến giờ. Cái đó chúng tôi còn gọi là con người chân thật."

Đoạn trên chỉ ra rất rõ ràng cái mà tất cả mọi người đều có, cái mà tất cả mọi người đều muốn tìm, chúng sinh như thế (chúng sinh là bao gồm con người và các loài khác), chư Phật mọi nơi mọi lúc cũng như thế, không khác: Bản lai diện mục!

Nó có rất nhiều tên: Phật tánh, tánh giác, bản lai diện mục, pháp thân, ... Tên thì cũng chỉ là tên, vì nó là tương đối, chỉ là phương tiện để chỉ cái chân thật của mỗi người mình, đừng nên chấp nó! Cho nên việc đầu tiên Lục Tổ yêu cầu thượng tọa Minh là gì ? Là phải lắng tâm lại, đừng cho vọng tưởng dẫn dắt; ngay đó tổ mới chỉ tiếp: "không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của ông ?". Khi tâm thức lắng lại, tức đừng để cái tư kiến của mình ngăn che cái thấy biết của mình, tạm dừng ngã chấp lại; khi đó trí tuệ phát sinh, mới thấy được thật tướng của mình khi "không nghĩ thiện, không nghĩ ác". Không nghĩ ở đây không có nghĩa là "ngu", vì lẽ thường con người cho là mình "khôn" sẽ tự cho mình có khả năng phân biệt thiện, ác; đúng, sai. Ở đây, cái thiện không còn, ác không còn; nghĩa là đúng sai không còn thì trong ta còn gì ? Còn cái "liễu liễu thường tri" (rõ ràng thường biết), cái đó là cái chân thật của ta, nó là cái biết chân thật, không phân biệt theo trần cảnh, là giải thoát.

Đó là sự giác ngộ, ngộ ở đây nghĩa là biết được chân lý, như là biết được rõ ràng đường đi và đích sẽ đến của mỗi người chứ chưa phải đã đến! Tuy nhiên, nếu không ngộ thì sẽ không thể đi tiếp.

Phật giáo rất cụ thể, giải quyết vấn đề rất thực tế của con người chứ không có gì là mông lung, xa vời. Tâm điểm giải quyết của Phật giáo là CON NGƯỜI, không phải vũ trụ xa vời. Con người nếu thấy được tự tánh của mình thì đương nhiên cái chấp không còn, không còn chấp thân, không còn chấp tâm thì làm gì mà còn tranh chấp, làm gì mà còn sự khổ. Khi đó khổ tập diệt đạo, 4 chân lý này và bát chánh đạo (8 con đường chân chánh để diệt khổ) không còn là thường nữa, nó là phương tiện mà đức Phật lập ra để giải quyết cho các đối tượng rất cụ thể: con người trong màn vô minh.... (còn nữa --> đến giờ cơm --> tạm nghỉ :)) )